Vai trò của Hội đồng nhân dân trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) là nội dung quan trọng được Hiến pháp 2013 quy định tại Điều 34 “Công dân có quyền được bảo đảm ASXH”, là quyền mới chưa được quy định trong các bản Hiến pháp trước đây.
Bảo đảm ASXH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách ASXH, đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng theo tinh thần xã hội hóa. Phát triển ASXH là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh.
1. Đặc điểm tình hình
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện[1] và 91 đơn vị hành chính cấp xã. Toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 13.600 ha. Nhiều khu đô thị và dân cư mới văn minh, hiện đại được hình thành, trong đó tiêu biểu nhất là Trung tâm hành chính tập trung của Tỉnh hoạt động từ ngày 20/02/2014.
Dân số cuối năm 2019 hơn 2,4 triệu người (trong đó có trên 53% dân số là lao động từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc và học tập). Đây là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát nghiệp phát triển kinh tế của Tỉnh. Tuy nhiên, điều này đặt ra những thách thức và yêu cầu lớn trong việc giải quyết các vấn đề về ASXH. Với quan điểm "gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội" và việc triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh nên những năm qua, Bình Dương được xem là điểm sáng về ASXH, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 đạt 146,9 triệu đồng/năm;
Với vai trò là cơ quan có chức năng quyết định các chính sách của địa phương theo quy định của pháp luật, Hội đồng nhân dân tỉnh đã phát huy vai trò quan trọng trong việc ban hành các chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả… qua đó, nhận được sự ủng hộ của người dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban nhân dân trong công tác quản lý nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Đồng thời, làm tốt vai trò, chức năng của mình thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện các chính sách đã ban hành.


HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh
2. Những kết quả đạt được
Trong những năm qua, chính sách ASXH được tỉnh quan tâm thực hiện khá đồng bộ, đầy đủ, kịp thời. Thực hiện chức năng quyết định, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đột phá riêng như: chính sách đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, lao động nằm trong vùng quy hoạch; chính sách đối với người có công; chính sách về nhà ở xã hội; chính sách giảm nghèo bền vững; bảo hiểm y tế; chính sách thực hiện xã hội hóa…
Một là, Chính sách về nhà ở xã hội: nhằm tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp, công nhân, lao động có chổ ở ổn định. Thực hiện chương trình nhà ở ASXH, toàn tỉnh có 85 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 43 dự án do Tổng Công ty Becamex làm chủ đầu tư với tổng diện tích 3,1 triệu m2, gồm 70.000 căn. Bên cạnh đó, có khoảng 200 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động với tổng diện tích 270.000 m2, đưa tổng diện tích sàn nhà ở xã hội toàn tỉnh lên đến 761.000 m2 với khoảng 16.900 căn hộ, giải quyết được khoảng 17% nhu cầu của công nhân lao động. Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân cũng đã đầu tư xây dựng nhà trọ với số lượng khoảng 180.000 căn đáp ứng được nhu cầu cho 540.000 công nhân, lao động, sinh viên và người thu nhập thấp thuê. Các đơn vị, doanh nghiệp và người dân tham gia dự án, chương trình xây dựng nhà ở sẽ được hỗ trợ các chính sách như: miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất…
Hai là, Chính sách về giảm nghèo: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương và chính sách bảo lưu đối với các hộ mới thoát nghèo. Theo đó, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 (hộ có thu nhập bình quân 1.200.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.400.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị). Bằng các giải pháp đồng bộ và có chiều sâu của các cấp, các ngành trong tỉnh, giai đoạn 2016-2018, tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo. Đầu năm 2018, tỉnh ban hành Bộ tiêu chí điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều theo hướng cụ thể hóa, sát hợp hơn, phản ánh được thực trạng, mức sống của cư dân. Kết quả điều tra theo Bộ tiêu chí mới đến tháng 7/2018, toàn tỉnh có 4.707 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,62%) và 2.883 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,99%). Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. Tổng nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh Bình Dương trên 724 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương trên 600 tỷ đồng.
Đạt được kết quả trên, là sự chung tay, chung sức của toàn hệ thống chính trị, sự đồng hành của các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Nhất là, Bình Dương đã xây dựng chuẩn nghèo và một số chính sách riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của Tỉnh, kết hợp nhiều nguồn lực, phương thức khác nhau. Cụ thể như hỗ trợ vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác; dạy nghề, giải quyết việc làm, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng, tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình, tạo điều kiện sinh kế cho người nghèo vươn lên[2]. Chương trình giải quyết việc làm gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đã có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.
Ba là, Chính sách về dạy nghề và việc làm: Công tác giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, lao động thuộc diện quy hoạch, giải tỏa…. đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Hàng năm, ngoài ổn định việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động, tỉnh đã tạo việc làm mới cho 45.000 lao động.
Song song với công tác tạo việc làm, công tác đào tạo, dạy nghề được quan tâm. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng[3]. Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tuyển sinh khoảng hơn 30.000 học viên. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kết hợp giữa đào tạo nghề tập trung và đào tạo nghề ngắn hạn, gắn với nhu cầu sử dụng. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt khoảng 80%, trong đó có văn bằng - chứng chỉ đạt 30%. Tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, sử dụng khoa học - công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, như: Công nghệ thông tin, Gia công cơ khí, Cơ điện tử, Công nghệ sinh học, Điện công nghiệp, Điện tử, may mặc...
Bốn là, Chính sách Bảo hiểm y tế: Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo,… Tỉnh cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Ngoài ra, Tỉnh còn sử dụng nguồn kết dư 20% từ quỹ khám, chữa bệnh để hỗ trợ thêm kinh phí mua thẻ BHYT cho đối tượng là học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của Tỉnh đạt trên 89% dân số.
Năm là, Đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao (VHTT) và các khu vui chơi, giải trí dành cho công nhân lao động. Tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống các thiết chế VHTT góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân, nhất là các khu vui chơi, giải trí dành riêng cho công nhân, lao động. Tỉnh thực hiện đối ứng nguồn vốn xây dựng và hoàn thiện Trung tâm văn hóa lao động, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương….qua đó, tạo điều kiện cho những người công nhân, lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với Bình Dương. Bên cạnh đó, các Khu công nghiệp, doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí lớn xây dựng các thiết chế VHTT để làm nơi cho công nhân tập luyện, sinh hoạt vui chơi, giải trí. Khu Du lịch Văn hóa - Thể thao Đại Nam với nhiều công trình phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Các tổ chức, cá nhân đầu tư các công trình thể thao sân cỏ nhân tạo bóng đá mi-ni (khoảng trên 400 sân). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 03 sân Golf, 06 rạp chiếu phim, trên 100 đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng và 73 câu lạc bộ đờn ca tài tử sinh hoạt thường xuyên tại các Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Văn hóa thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố, Nhà Văn hóa cấp xã… tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh, góp phần tích cực vào công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Sáu là, song song với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, áp lực về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học là một trong những thách thức lớn đối với Bình Dương. Tỷ lệ học sinh các cấp không ngừng gia tăng, bình quân khoảng 30.000 học sinh/hàng năm. Chính vì vậy, việc xây dựng trường lớp, trang thiết bị dạy học luôn được chú trọng đầu tư và bảo đảm cho con em lao động có chổ học. Chủ trương xã hội hóa giáo dục được thực hiện tốt, nhất là giáo dục mầm non, tiểu học, góp phần giảm áp lực xây dựng trường lớp từ ngân sách Nhà nước.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được đẩy mạnh, các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập phát triển với chất lượng ngày càng cao. Tỉnh đã đầu tư xây dựng các bệnh viên chuyên khoa, bệnh viện 1500 giường nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.
Tình hình an ninh - trât tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững; chủ động, linh hoạt đề ra các phương án để ứng phó, xử lý tình huống và kịp thời giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội và không để bị động, bất ngờ. HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn và Tổ trưởng, Tổ phó Tổ nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh Bình Dương[4]; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng 113 bán chuyên trách; thí điểm xây dựng đồn công an khu công nghiệp và được chính phủ cho ý kiến triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, Công đoàn, công nhân để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các ý kiến, nguyện vọng chính đáng,….từ đó kịp thời có hướng xử lý giúp hài hòa mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động, góp phần làm giảm các vụ đình, lãn công không đáng có.
Bảy là, Chương trình chăm lo lễ, tết: Riêng dịp chuẩn bị đón tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Tỉnh đã chi hơn 211 tỉ đồng (tăng 20% so với năm 2018) từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện việc chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em khó khăn… Ngoài chính sách của Trung ương, Bình Dương còn thực hiện chính sách riêng của tỉnh đối với người có công[5], trao tặng nhà tình nghĩa, trao tặng trang thiết bị, tổ chức nghỉ dưỡng hàng năm…..Chương trình “Chuyến xe xuân nghĩa tình” do LĐLĐ tỉnh tổ chức, hàng năm tặng khoảng 5.000 vé xe và hỗ trợ tiền ăn uống người lao động về quê đón Tết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tổ chức hỗ trợ đưa công nhân về quê đón tết.
3. Một vài kinh nghiệm trong thực hiện chính sách ASXH
Thứ nhất, để các chính sách ASXH được HĐND tỉnh thông qua có hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển, Thường trực HĐND tỉnh luôn bám sát, cụ thể hóa theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đặt ra.
Thứ hai, lựa chọn vấn đề, nội dung giám sát chuyên đề về ASXH. Qua kết quả giám sát, đã tổ chức các phiên giải trình, chất vấn làm rõ các nội dung, các bất cập của các chính sách đang thực hiện. Đồng thời, đề nghị UBND xây dựng các chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển của địa phương để trình HĐND thông qua. HĐND lựa chọn các nhóm vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, việc đầu tư và xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ nhân dân, vấn đề lao động việc làm, chính sách người có công…để chất vấn tại kỳ họp. Các nội dung được lựa chọn thực hiện chất vấn xuất phát từ phản ánh của cư tri, giám sát chuyên đề, những vấn đề bức xúc tại địa phương. Sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh gửi văn bản yêu cầu thực hiện kết luận của chủ tọa kỳ họp, đồng thời đôn đốc, đeo bám việc thực lời hứa của người trả lời chất vấn. Từ đó, giúp nâng cao trách nhiệm của các Ủy viên UBND.
Thứ ba, phối hợp với các ngành, địa phương và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động hoặc được thụ hưởng từ các chính sách do HĐND ban hành.
Thứ tư, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra từ khi bắt đầu xây dựng chính sách; công tác thẩm tra chính sách được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm quy trình theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả của chính sách sau khi ban hành.
Thứ năm, việc quyết định thông qua các chính sách trên cơ sở tình hình thực tiễn, cũng như theo quy định của pháp luật, bảo đảm quy trình; cung cấp đầy đủ thông tin, định hướng kịp thời để khắc phục tại các cuộc họp, thảo luận của Tổ đại biểu.
Những chính sách về ASXH của Bình Dương thực hiện trong thời gian qua cơ bản đã đáp ứng những yêu cầu của người dân. Hiệu quả từ việc thực hiện các chính sách này góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua và cũng chính là động lực để Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn các chính sách ASXH trong thời gian tới./.
Trịnh Đức Tài - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh (Nguồn: hdnd.vn)
[1] Gồm có 03 thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An; 02 thị xã: Bến Cát, Tân Uyên; 04 huyện: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo.
[2] Năm 2019, Toàn tỉnh đã huy động khoảng 900 tỷ đồng từ nhiều nguồn đề chăm lo cho các đối tượng.
[3] Toàn tỉnh hiện có 08 trường đại học (Đại học Thủ Dầu Một, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Việt Đức, Đại học Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ Thuật, Đại học Ngô Quyền, Đại học Mở Tp. HCM, ĐH Thủy lợi); 07 trường cao đẳng (cao đẳng nghề); 13 trường trung cấp (trung cấp nghề).
[4] Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của HĐND tỉnh;
[5] Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của HĐND về chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh Bình Dương.