Hòa chung trong không khí rộn ràng cùng cả nước kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tôi xin mượn một phần câu chuyện được trích trong tác phẩm: “Một thời để nhớ” của học giả Nguyễn Quốc Nhân, được xuất bản vào năm 2016 để viết về cảm nhận của những người được sinh ra sau chiến tranh, ở giây phút hân hoan của hiện tại để nhìn về quá khứ hào hùng, về những con người đã làm nên lịch sử chói lọi, họ đã hy sinh bản thân mình để đổi lại hòa bình, tự do cho dân tộc.

Mô hình Tượng đài tưởng niệm chiến khu D
“…
Đã bao ngày chưa có hạt cơm nào vào bụng, vì giặc lùng riết quá, hơn nữa khẩu phần cơm độn củ và lá rùng các anh đã để lại nhường cho anh em ở nhà. Trên đường công tác bị giặc tập kích bất ngờ, đồng chí Cò Hương là bí thư chi bộ Đảng và anh Nguyễn Huấn là nhà báo không may lọt vào giữa vòng vây của giặc. Đúng là tuyệt lương mà kế thoát chưa tìm ra được, trong lúc ấy thì giặc kêu gọi hồi chánh. Vòng vây của giặc ngày càng siết chặt.
Sau trận càn hàng tuần lễ, địch bị quân ta tấn công, chúng phải rút ra khỏi suối Đá. Chúng tôi quay lại tìm hai anh.
Bên dòng suối trong xanh, anh Nguyễn Huấn căng chiếc võng ni lon vắt qua dòng suối, bên cạnh đấy là mấy khóm mai nở rực vàng. Anh đã nằm đây đi vào giấc ngủ vĩnh viễn. Cuốn sổ tay anh úp trên ngực có hai câu thơ trong bài thơ anh đang làm dở:“Sao chúng mầy không đọc bài: “con cá, chột nưa”, để hiểu khí tiết của những tâm hồn cộng sản” (Bài thơ “Con cá, chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu, được viết ở nhà tù Lao Bảo, tháng 11-1940).
Đi thêm một đoạn suối, chúng tôi gặp anh sáu Cò Hương, anh vẫn ngồi ung dung trên một tảng đá giữa dòng suối, anh đặt hai tay lên chiếc “bồng” đặt ở phía trước, anh quay mặt về phía Bắc, phía đất trời ấy là niềm tin là hy vọng của miền Nam. Anh Sáu không để lại dòng chữ nào, nhưng qua tư thế của anh trước khi vĩnh biệt đồng chí, đồng bào, chúng tôi hiểu anh đã nói rất nhiều về tấm lòng trung kiên với Đảng.
Các anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Hai anh không còn, nhưng hình ảnh bất khuất ấy đã đọng lại rất sâu sắc trong lòng người chiến khu Đ. Nhất là trong những ngày thanh bình của đất nước hôm nay.”
Câu chuyện đã đưa chúng ta đến bối cảnh ác liệt của cuộc chiến nhưng vẫn rất đẹp khi vừa có thơ, có hoa vàng, mà trên hết là khí tiết của người cộng sản vẫn phản phất trong đất trời phương Nam khi một lòng hướng về với Đảng, hướng về lý tưởng cách mạng. Có lẽ, sự gắn kết chặt chẽ giữa câu chuyện này với các phong trào thi đua yêu nước của Đảng ta vào thời điểm đó đã tạo nên khí thế hừng hực với khẩu hiệu: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, họ đón nhận cái chết rất nhẹ nhàng, làn ranh giữa sự trung thành với lý tưởng cộng sản và sự phản bội ngã lòng đi theo giặc làm phương hại đến tổ chức, đến đồng đội là rất mong manh, nếu hai đồng chí bước qua “làn ranh đỏ”, bước qua lời thề dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc thì họ sẽ có cuộc sống sung sướng cho bản thân mình, nhưng các đồng chí đã không chọn sự sống yếu hèn, với ý chí bất khuất không chịu khuất phục mà chấp nhận hy sinh để tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vì niềm tin ngày thống nhất đất nước sẽ không còn xa.

Một góc Chiến khu D ngày nay (Trung tâm hành chính huyện Bắc Tân Uyên)
Ngày nay, Đảng ta cũng đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước, trong đó Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng, chỉ thị tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị cao đẹp của dân tộc, của thực tiễn đấu tranh và bảo vệ tổ quốc. Theo tôi, Đảng đã chọn đúng yếu tố tiên quyết để tạo nên thành quả vĩ đại cho dân tộc ở hơn nữa thế kỷ trước, thì nay một lần nữa các giá trị này sẽ tiếp tục phát huy; trong đó, phẩm chất trung với Đảng – hiếu với Nhân dân đã là máu, là thịt chảy trong cơ thể của người chiến sĩ cộng sản. Đối với người cán bộ, công chức thì ngoài phẩm chất cao quý phải có ở trên còn đòi hỏi họ phải vừa có đạo đức và vừa có tài, làm người phải có đạo đức vì đạo đức là gốc con người, nhưng xã hội cũng cần người có tài để xây dựng phát triển đất nước, đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm về cuộc chiến vẫn còn đọng lại, nhắc nhở chúng ta những người đi sau cuộc chiến phải sống sao cho trọn tình, trọn nghĩa đúng với đạo lý, biết quý trọng hòa bình, khi biết rằng hạnh phúc từng ngày, từng giờ đang được hưởng đều phải đánh đổi biết bao hy sinh cao đẹp như vậy. Với lòng kính trọng, biết ơn, nghiên mình cúi đầu khi đọc câu chuyện này là không thể đủ để nói lên hết sự vĩ đại của những con người “sống anh hùng, chết anh linh” đã hy sinh vì lý tưởng cao cả khi tổ quốc cần họ đã biết hy sinh bản thân mình cho Đảng, cho dân tộc Việt Nam trường tồn./.
Nguyễn Quốc Trí
PCVP – Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Bình Dương