Xu thế thương mại hóa tín chỉ Carbon - liên hệ thực tiễn ở Bình Dương
Khi nhắc đến Cộng hòa Singapore, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một quốc gia “Xanh - Sạch - Đẹp” với nhiều công trình dân dụng hiện đại, nhiều công trình xanh phục vụ dân sinh, phục vụ công tác quản lý hành chính của nhà nước Singapore. Bên cạnh đó, Singapore còn nổi bật với hệ thống quy hoạch đô thị thông minh, tích hợp công nghệ tiên tiến và các giải pháp bền vững, tạo nên một môi trường sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Những khu vườn thẳng đứng, công viên sinh thái như Gardens by the Bay, cùng với mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của quốc gia này trong việc xây dựng một tương lai xanh và bền vững.

Về điều kiện tự nhiên để thực hiện các tiêu chí xanh, Bình Dương hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Vấn đề mấu hiện nay là quyết tâm chính trị để tổ chức thực hiện, trong đó có các yếu tố quan trọng như phân bổ nguồn lực, lựa chọn thời điểm, địa điểm để triển khai từng bước theo lộ trình cho phù hợp cũng là vấn đề lớn cần được quan tâm. Việc ưu tiên đầu tư duy trì, chỉnh trang các công trình xanh hiện hữu là cần thiết. Tuy nhiên, khi xét về tương lai sau một thời gian dài thiên nhiên đã phục vụ cho phát triển, thì đây là dịp để thiên nhiên được phục hồi với một khoảng không gian xanh đủ rộng lớn có thể tái tạo lại nguồn năng lượng, tạo động lực mới cho định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tiếp theo.
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn
1.1. Về cơ sở lý luận
Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng[1], đã đánh giá:
“Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng; việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn; công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.”
Tiếp thu Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ[2] thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp trong chỉ thị nêu trên đến các bộ - ban – ngành, UBND các tỉnh, thành ủy.
1.2. Về thực trạng phát triển xanh
1.2.1 Thực trạng chính sách xanh hóa của quốc gia Singapore
Khi đến Singapore, cảm nhận đầu tiên là không có sự vướng bận tầm mắt bởi hệ thống dây điện chằng chịt như ở Việt Nam, họ đã ngầm hóa hoàn toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc[3]; diện tích dành cho vỉa hè cũng tương đối rộng, khoảng lùi trong xây dựng các công trình là rất lớn; tập quán sinh sống của người dân đa phần trong các khu nhà chung cư, rất ít nhà ở riêng lẻ nên mặc dù diện tích quốc gia rất nhỏ nhưng họ luôn dành chỗ, tạo ra khoảng không gian liên hoàn đủ dành cho cây – mảng xanh phát triển thành cụm. Ở một số khu vực trung tâm Singapore, các công trình cao tầng cũng tương đối dầy, nhưng luôn có mối quan hệ hài hòa giữa công trình - con người – thực vật – động vật cùng sinh trưởng, tôi có thể khẳng định lại quan điểm này khi biết được sự khâm phục của cựu Thư ký Nội các Singapore, Wong Chooi Sen khi nhắc đến cố Thủ tướng Lý Quang Diệu: “Bằng tình yêu thiên nhiên, ông Lý không những luôn yêu cầu mọi người trồng thêm cây xanh mà ông còn không muốn dùng hóa chất để bảo vệ cây xanh vì như vậy sẽ giết chết côn trùng khiến cho chim chóc mất đi nguồn thức ăn.”[4]

Chương trình phủ xanh đất nước Singapore đã được Thủ tướng Lý Quang Diệu khởi xướng vào năm 1963, khi tỷ lệ cây xanh lúc bấy giờ là không đáng kể, thì đến 2022 tỷ lệ này đã đạt được 55%, dự kiến đến 2030 đạt được 80% diện tích đất nước được phủ đầy cây xanh. Chương trình phủ xanh đất nước nhằm đạt được các mục tiêu: (i) Xây dựng hình ảnh, thương hiệu thành phố trong thiên nhiên, là điểm đến mơ ước của du khách; (ii) Cải tạo chất lượng không khí đô thị, tạo môi trường xanh, tươi mát, nâng cao chất lượng cuộc sống và ý thức bảo vệ môi trường; (iii) Kết hợp hài hòa hệ thống cảnh quan, thể hiện sự tỉ mỉ đến từng chi tiết ở từng gốc cây, mảng cỏ, mở rộng mạng lưới công viên công cộng theo hướng tự nhiên, cây – mảng xanh và hồ nước điều hòa làm đẹp – làm mát cho đô thị, tạo hệ sinh thái bền vững; (iv) Gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, khôi phục môi trường thiên nhiên, gắn kết cộng đồng; và (v) Phù hợp với xu thế phát triển xanh của thế giới, tiến đến Netzero.
Một số kết quả quan trọng đã đạt được từ khi triển khai chương trình phủ xanh đất nước Singapore cho đến nay: (i) 6 triệu cây xanh đã được trồng, trong đó có hơn 2 triệu cây xanh được trồng ở đô thị; (ii) 401 vườn thực vật với diện tích gần 3.000ha; (iii) 371 km đường nội bộ trong công viên; (iv) Các khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích 3.347 ha; (v) 2.099 ha cây xanh ven đường; (vi) Duy trì và bảo tồn hơn 200 km đường tự nhiên; (vii) 130 ha phủ xanh nhà cao tầng; và (viii) 1.600 công viên phục vụ cộng đồng.

Với diện tích chỉ tương đương huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương, nhà nước Singapore hoạt động theo mô hình chính quyền một cấp là cấp Trung ương[5], các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, của doanh nghiệp và người dân luôn được tháo gỡ kịp thời vì đây vừa là cấp ban hành chính sách và cũng là cấp triển khai thực hiện chính sách. Chỉ riêng lĩnh vực quản lý và chăm sóc cây xanh, Chính phủ Singapore đã ban hành Bộ Quy tắc Cây xanh, trong đó đề ra các yêu cầu, tiêu chuẩn rất chặt chẽ đối với việc trồng và chăm sóc các loại cây xanh trên đường phố, vườn nhà, các bãi đậu xe... nhiệm vụ này được giao cho Ủy ban công viên quốc gia (National Parks Board - NPB) phụ trách. Bộ Quy tắc được vận hành trên nguyên tắc chú trọng phát triển cây – mảng xanh trên tinh thần có thể loại bỏ công trình tạo ra khoảng trống để trồng cây xanh, điều này có thể ngược lại với cách thức quản lý của một số quốc gia, địa phương nhưng lại phù hợp với chiến lược phủ xanh đất nước mà Singapore đã lựa chọn từ nhiều thập kỷ qua.
1.2.2. Thực trạng cây xanh - mảng xanh ở tỉnh Bình Dương
Trong thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương đã làm được việc rất hợp với lòng dân là đã tạo ra nhiều cây - mảng xanh, tạo ra nhiều khu vui chơi, thể thao trong “lòng đô thị” hiện hữu. Tuy diện tích mỗi nơi là tương đối nhỏ vì đây là diện tích được tận dụng từ quỹ đất công ở các công trình trong chỉnh trang đô thị, những cũng đã giải tỏa được phần nào sự đòi hỏi thiết thực của cư dân sinh sống ở khu vực lân cận có thể cùng sử dụng tiện ích này để nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo tôi nhận thấy chúng ta đã đi từ ít đến nhiều khu vực công cộng xanh nên kết quả đạt được trong thời gian qua là phù hợp với điều kiện hiện tại, đáp ứng một phần so với nhu cầu thiết yếu về mảng xanh. Nhưng để có được như một Singapore Xanh - Sạch - Đẹp, điều mà nhiều người dân trong tỉnh Bình Dương mong muốn thì còn một khoảng cách rất xa, cần nhiều thời gian, cố gắng của tất cả mọi người, của các cấp chính quyền với cơ chế phù hợp và nên sớm bắt tay vào thực hiện thì mong ước đó mới sớm thành hiện thực.
Hiện nay, Bình Dương rất thiếu cây - mảng xanh trong đô thị vì trong một khoảng thời gian dài trước đây chúng ta chưa có quan tâm nhiều về vấn đề này. Việc chỉnh trang tạo nét đẹp đô thị, tạo mảng xanh như đã nói ở trên là cần thiết nhưng sẽ mang tính chấp vá không thể tạo tính bài bản, đồng bộ. Tuy đã có một số điểm nhấn về đô thị xanh kể cả đã có hiện hữu từ lâu đời như vườn trái cây Lái Thiêu - An Sơn trong lòng đô thị Tp. Thuận An, hoặc như mảng xanh ở khu vực Bến Thế - Phú An - Rạch Bắp, đây là những mảng xanh chạy dọc sông Sài Gòn kết nối với Tp. Thủ Dầu Một, Tp. Thuận An, Tp. Bến Cát, huyện Dầu Tiếng; mảng xanh chạy dọc sông Đồng Nai kết nối Tp. Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo tạo nên lá phổi xanh kết hợp điểm du lịch cho tỉnh nhà, nhưng đây cũng là những mảng xanh tự phát từ xa xưa, tập quán sinh sống riêng lẻ của cư dân nên các mảng xanh này chưa được quy hoạch tổng thể, bài bản, không thể phục vụ chung cho sinh hoạt cộng đồng; ngoài ra, dưới áp lực đô thị hóa thì việc giữ mảng xanh ở đây là rất khó khăn, diện tích xanh cứ mất dần theo thời gian do sự đan xen, chia cắt của các công trình dân dụng - công nghiệp, không tạo được mảng xanh liên hoàn, đồng bộ.
Mảng xanh là cây công nghiệp cao su được trồng trải dài ở nhiều địa phương trong tỉnh tuy có thể đáp ứng lượng không khí cho sự sống nhưng về cảnh quan sẽ không được như các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu công viên vì chỉ đơn thuần một loại cây sản xuất, ít tạo nên nét đẹp và rất khó có sự tương tác giữa người dân và thiên nhiên, khó tổ chức sinh hoạt cộng đồng vì đây là khu vực xa khu dân cư sinh sống và vườn cây cao su nằm trong diện tích canh tác nên được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Đối với cây xanh hiện hữu trên các tuyến đường nội ô, đây là bài toán nan giải trong thời gian qua đối với việc quản lý đô thị của các cấp chính quyền địa phương, việc chăm sóc cây xanh với bảo vệ an toàn lưới điện luôn có sự xung đột lẫn nhau, nên ở một số tuyến đường khi đi qua chúng ta sẽ thấy cây xanh bị “cắt ngọn” trong mùa mưa bão để bảo vệ lưới điện, nên xét về mặt mĩ quan đô thị sẽ tạo sự phản cảm do tạo hình ảnh nham nhở, gây “sốt ruột” vì mất nhiều công sức chăm sóc (công không trồng, lòng không đau). Trong thời gian dài vừa qua, chúng ta vẫn chưa tìm được một loại cây nào phù hợp nhất cho đô thị, nhất là cây trồng trên các vỉa hè với độ rộng thường chỉ 3m mà phải “gánh” rất nhiều công năng, vừa phải phục vụ cho người đi bộ, phục vụ cho sinh hoạt của người dân có nhà liền kề như làm chỗ đậu xe, vừa là chỗ kinh doanh tạp hóa, hàng ăn uống; nếu cây quá cao sẽ ảnh hưởng đến lưới điện, nếu cây thấp sẽ che khuất tầm nhìn giao thông. Trong những năm gần đây, trên vỉa hè đô thị trong tỉnh nhất là khu vực Tp. Thủ Dầu Một được trồng rất nhiều cây Dầu con rái (Dipterocarpus alatus) hoặc cây Sao đen (Hopea odorata), được di dời đi từ cây thành phẩm đã trồng nhiều năm ở lâm trường về trồng trên vỉa hè, những loại cây này khi phát triển có thân rất to, nhiều cành lá, độ cao lớn (30 - 40m). Việc lựa chọn và trồng cây xanh trên các vỉa hè như thời gian vừa qua bước đầu đáp ứng được một phần chỉ số tỷ lệ cây xanh đô thị/ mỗi người dân, tạo không khí, tạo màu xanh (tỷ lệ cây xanh m2/người của Tp. Thủ Dầu Một là tương đối thấp mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chỉ đạt 13,6m2/người , nếu so với đô thị các quốc gia khác là trung bình từ 20 - 25m2/người, chỉ số này chỉ cao hơn tỷ lệ tối thiểu theo khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc là 10m2/người). Tuy nhiên, việc trồng cây và hiệu quả của cây xanh mang lại trong thời gian vừa qua phải được tính bằng khoảng thời gian dài, từ nhiều chục năm thì mới có câu trả lời chuẩn xác nhất.
2. Bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện chiến lược xanh hóa đô thị Bình Dương
2.1. Kinh nghiệm về nhận thức
Trong công tác chỉnh trang đô thị, mà nhất là trồng cây trên vỉa hè cần chú ý đến loại cây có lá nhiều hay ít để hạn chế công sức quét lá; lá cây lớn hay nhỏ vì nếu lá cây lớn sẽ gây tắt cống thoát nước; cành cây nhiều hay ít - ngắn hay dài, có gai nhọn có dễ gây tai nạn, có gây cản trở giao thông; cây có nhiều hoa và hoa có nặng mùi, có quả không và quả to hay nhỏ, khi trái chín rụng có làm mất vệ sinh và tai nạn cho trẻ em khi leo cây hái trái; nếu cây to lớn quá thì rễ cây sẽ phá vỡ bề mặt vỉa hè gây nham nhở, hoặc nếu có xảy ra dông, lốc thì dễ làm cây ngã đổ sẽ ảnh hưởng đến tín mạng, sức khỏe người tham gia giao thông hoặc gây đỗ, vỡ các công trình lân cận, nhất là công trình lưới điện, công trình nhà ở dân sinh và người tham gia giao thông;… Bao nhiêu đây là vẫn chưa đủ để liệt kê hết các khó khăn trong quá trình trồng cây xanh trên vỉa hè đô thị, nên có một thời kỳ chúng ta phải loay hoay trồng cây và sau ít năm lại phải thay thế các cây đã trồng (có cả dãy phố đều trồng cây hoa sữa, khi đêm về rất nặng mùi gây khó ngủ, gây bệnh dị ứng ở người già và trẻ nhỏ; hoặc trồng cây Viết, khi đến mùa kết trái, cây viết rụng trái rất nhiều nên gây mất vệ sinh; cây Lộc Vừng rụng hoa rất nhiều, lá rất to gây tắc cống thoát nước,…).

Trước đây, tôi được nghe nói nhiều về việc trồng và chăm sóc cây xanh ở Singapore, có câu chuyện chỉ cần có khoảnh đất bé bằng bàn tay là họ cũng trồng vào đó một cây hoa để hạn chế bê tông hóa. Khi đi thực tế, có thể thật sự không đến như vậy nhưng tôi nhận thấy cây xanh - dây leo - hoa tươi - thảm cỏ - mảng xanh ở đây rất nhiều, có phải chăng vì khi ai đó có rất ít thứ gì đó như đất và cây xanh thì họ sẽ quý trọng hơn, nhưng cũng không thể phủ nhận việc quan tâm đầu tư cho cây - mảng xanh và nâng lên tầm lợi ích chiến lược quốc gia của người đứng đầu nhà nước thì rất ít nơi làm được. Hoặc có câu chuyện khác, một người xả rác không đúng quy định ở Singapore khi bị bắt gặp, nhà chức trách sẽ phạt tiền và chế tài kèm theo là phải dọn rác với tỷ lệ được nhân lên nhiều lần so với số lượng rác đã vứt ra không đúng nơi quy định, đây có thể là chuyện thiêu dệt “làm quà” của hướng dẫn viên du lịch[6], nhưng việc bị phạt tiền khi vứt rác không đúng nơi quy định được cảnh báo ở khắp mọi nơi là có thật, từ trong tàu điện ngầm, đến trước cổng các khu vực công cộng đều có bảng quy định với số tiền phạt lên đến hàng nghìn SGD[7], và điều đáng sợ hơn là đối với hành vi vi phạm vệ sinh môi trường, xâm hại cây xanh cũng nằm trong hình phạt bổ sung là bị phạt đánh roi mây nghiêm khắc nếu tiếp tục vi phạm nhiều lần[8]. Đây có thể là hình thức mạnh tạo nên ý thức chấp hành nghiêm pháp luật và ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng trong sinh hoạt cộng đồng của người dân Singapore. Và không chỉ công dân Singapore, du khách khi đến đây cũng nghiêm chỉnh tuân thủ vì biết rằng việc thực thi pháp luật rất công minh, không thể có bất kỳ mối quan hệ nào có thể can thiệp vào các quy định của pháp luật kể cả của người đúng đầu quốc gia hùng mạnh khác khi công dân của họ vi phạm pháp luật Singapore[9].
2.2. Vận dụng lý luận và thực tiễn vào trong công tác quản lý, điều hành ở địa phương
Nhưng điều mà tôi đặt biệt quan tâm, ấn tượng rất tốt ở Singapore trong thời gian trước đây là hệ thống giao thông liên hoàn, thông minh, mang lại sự tiện ích tối đa cho mọi người, mà điểm tiêu biểu nổi bật là mạng lưới tàu điện ngầm chạy khắp đất nước, người dân và du khách khi muốn đến bất kỳ địa điểm nào trên đất nước cũng chỉ di chuyển tối đa 500m, vì bán kính lớn nhất giữa hai ga tàu điện ngầm chỉ là 1.000m; hoặc hệ thống quản lý hành chính nhà nước “một cửa điện tử” mà lúc trước đây còn rất mới lạ với Việt Nam khi đó vẫn ưa chuộng cách thức quản lý hành chính nhà nước bằng hình thức văn bản giấy tờ là chính; một trung tâm tài chính luôn sáng đèn bất kể thời gian để thực hiện công việc đầu tư tài chính ở nhiều phía của bán cầu Bắc - Nam, Đông - Tây; hay như hệ thống cây - mảng xanh tạo cảm giác sạch sẽ, thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Ở thời điểm đó, trong tôi luôn có câu hỏi chưa được trả lời là vì sao một quốc gia bé nhỏ không có tài nguyên, kể cả nguồn tài nguyên tối thiểu là nước ngọt, từng là quốc gia có xuất phát điểm cũng tương đối thấp nhưng lại làm được những điều mà các quốc gia lớn hơn phải ngưỡng mộ, trở thành một trong những “con Rồng châu Á”[10].
Có sự chuyển biến lớn trong nhận thức đối với cùng một vấn đề đó là về cây - mảng xanh ở Singapore, một số hình ảnh quen thuộc của mười năm trước nay tôi vẫn bắt gặp, nhưng mười năm trước khi mới lần đầu cảm nhận mảng màu xanh trải dài ở Singapore chỉ mang lại sự thích thú, khâm phục sự đầu tư, sức lao động của con người đã tạo thành. Thì nay, cũng mảng màu xanh này và điều kiện đủ để tôi được bày tỏ cảm xúc đề xuất ý tưởng với lãnh đạo tỉnh về “Khu bảo tồn thiên nhiên” để Bình Dương sớm có được nhiều mảng xanh, định hình Bình Dương phát triển gắn liền với mô hình “trong đô thị có rừng, trong rừng có thành phố”[11], “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”[12] của Chính phủ. Tuy có thể chưa làm tốt được như đất nước bạn vì ngoài quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo tỉnh thì còn phải kể đến các yếu tố khác như khả năng cân đối tài chính, ý thức cộng đồng,… nhưng chắc chắn kết quả mang lại sẽ tốt hơn so với hiện tại và sẽ là rất tốt cho nhiều thế hệ mai sau vì để thực hiện việc xanh hóa đô thị thì không thể chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn mà phải thực hiện đồng bộ trong nhiều chục năm thì mới có thể hoàn thành được.
2.3.. Định hướng phát triển cho tương lai
Một mảng xanh mà tôi rất ưng ý vì được đầu tư tương đối đồng bộ, rất đẹp, rất hiện đại, tương đối giống với Vườn bách thảo Botanic Gardens ở Singapore[13], đó là công viên Trung tâm thành phố mới Bình Dương với diện tích 75ha[14]-[15], nơi đây có cây xanh, mảng xanh, mạng lưới hồ nước điều hòa thu nhận nước mưa, có các thiết chế văn hóa – thể thao phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, rất tiếc là diện tích hơi nhỏ, nếu diện tích lớn hơn sẽ đẹp hơn và do mới được đầu tư trên dưới 20 năm nên công viên chưa đủ sức để trở thành điểm nhấn của trung tâm đô thị như Botanic Gardens. Chỉ riêng khu vực Tp mới nên có vài công viên như thế và nhìn rộng ra toàn Bình Dương cần rất nhiều công viên tương tự, nhất là ở những khu vực đô thị hiện hữu, điều mà sẽ khó thực hiện vì không có diện tích tương đối lớn, nếu giải tỏa thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như tái định cư và nguồn kinh phí rất lớn không thể cân đối ngân sách. Ở phần trên, Tôi có so sánh công viên Trung tâm Tp mới Bình Dương với Vườn bách thảo Botanic Gardens di sản UNESCO của Singapore là có phần khập khiễng kể cả về thời gian được tính từ khi có ý tưởng hình thành (năm 1822 và năm 2003); mức độ phổ biến[16]; về diện tích công viên (75ha/82ha); trình độ dân trí; mức độ đầu tư ở tầm địa phương và tầm quốc gia,… Tuy nhiên, nếu được quan tâm đầu tư, được quản lý chặt chẽ, ý thức cộng đồng tốt thì trong khoảng thời gian sau này hy vọng Bình Dương cũng sẽ có và có nhiều công viên tương tự như Botanic Gardens.

Một hạn chế của tỉnh nhà trong thời gian qua về quản lý, chăm sóc cây xanh và vệ sinh môi trường, đó là kinh phí dành cho công tác này quá ít, chỉ đủ để duy trì hiện trạng chứ không thể đủ để làm đẹp, để cây xanh phát triển tươi tốt. Đơn cử Tp. Dĩ An là địa phương phát triển, tiếp giáp các đô thị lớn trong - ngoài tỉnh, nhưng kinh phí cấp cho công tác quản lý, chăm sóc và vệ sinh môi trường chưa đến 20 tỷ đồng/năm. Qua trao đổi với công chức phụ trách, tôi được biết số tiền trên chỉ đủ thuê mướn nhân công lao động quét rác các tuyến đường nội ô, còn đối với cây xanh thì không có kinh phí để chăm sóc bài bản, định kỳ (như bón phân, xịt thuốc, cắt, tỉa,…), chỉ tưới nước vào mùa khô. Theo tôi, việc trồng cây là không khó vì chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn là hoàn thành, việc khó là chăm sóc để cây phát triển xanh tốt thì đòi hỏi thời gian dài, kinh phí lớn, mất rất nhiều công sức chăm sóc và ý thức của cộng đồng thì mới có cây - mảng xanh tươi tốt được.
Trùng với thời điểm tôi viết nội dung về phát triển cây xanh ở Singapore và đề xuất - kiến nghị cho Bình Dương, thì cũng là dịp nhiều địa phương trong Tỉnh đang tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây là phong trào được tổ chức và thực hiện trong nhiều năm, kết quả và hiệu quả mang lại xin nhờ các đồng chí cán bộ phụ trách và mọi người đánh giá thực tế, tôi chỉ xin đưa ra quan điểm của mình về việc trồng cây trong các dịp lễ theo phong trào. Tùy theo vùng miền mà Tết trồng cây được ấn định khung thời điểm khác nhau; như ở miền Bắc, Tết trồng cây thường diễn ra vào dịp đầu năm mới do thời tiết ở đây vào mùa ẩm ướt. Các tỉnh phía Nam thường chọn ngày 19/5 vì là ngày sinh nhật Bác Hồ và thời điểm đã vào mùa mưa thích hợp cho việc trồng cây. Việc lựa chọn thời điểm đã thích hợp, theo tôi nên phát động thành nhiều đợt và đối tượng tham gia lễ phát động nên mở rộng hơn, vấn đề này tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau.
Một địa chỉ không thể thiếu mà các tour du lịch thường đề xuất cho du khách khi đến thăm quan đất nước Singapore là Vườn Bách thảo di sản UNESCO - Botanic Gardens. Trong chương trình chuyến đi thực tế lần này cũng có đến đây. Vẻ đẹp hoang sơ nằm giữa trung tâm đô thị đã tạo cảm giác gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên, không còn bị bủa vây bởi các tòa nhà chọc trời nối tiếp nhau. Tuy nhiên, ngoài Botanic Gardens đã quá nổi tiếng, ở Singapore còn có khu Bảo tồn thiên nhiên Bukit Timad[17], (Bukit Timah Nature Reserve) là một không gian xanh thú vị, một kho báu tiềm ẩn của thành phố mà ít ai biết đến.
Đây là khu rừng nhiệt đới cổ với diện tích 1.732 ha trên ngọn đồi cao 163,63m, là điểm cao nhất nằm gần trung tâm hòn đảo chính, nơi đây được công nhận là khu di sản của ASEAN, với hơn 500 loài động vật và hơn 1.000 loài thực vật, hoa[18]. Đây được xem là khu bảo tồn rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh, là nguồn tài nguyên không thể thiếu cho việc tuyên truyền và bảo vệ thực vật và động vật bản địa của khu vực, được khám phá vào năm 1827. Là địa điểm đến tuyệt vời phù hợp với sinh hoạt gia đình - văn hóa - nghệ thuật cộng đồng theo hướng dã ngoại khám phá, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe.
Tôi có dịp may được đi đến cả hai nơi là Bukit Timad và Botanic Gardens. Ở đoạn trên tôi có liên hệ Botanic Gardens với khu công viên trung tâm thành phố mới Bình Dương và sẽ đề xuất tỉnh Bình Dương nên hình thành nhiều khu công viên như thế ở các đô thị trong tỉnh như ở Tp. Dĩ An sẽ là công viên hồ Bình An - suối Lồ Ồ, ở Tp. Thủ Dầu Một thêm công viên được chuyển đổi từ dự án khu dân cư thế kỷ 21, … Riêng đối với Bukit Timad, tôi có dành sự quan tâm đặc biệt hơn vì nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích rộng lớn, động, thực vật phong phú rất giống một địa điểm của tỉnh Bình Dương đang có (nếu không nói là ở Bình Dương còn tốt hơn nhiều) mà tôi đề xuất nên chọn để đầu tư thành khu bảo tồn thiên nhiên không chỉ phục vụ cho người dân tỉnh Bình Dương mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ, đó là khu vực núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng, ở huyện Dầu Tiếng, vị trí ở phía Bắc tỉnh Bình Dương, với diện tích 3.611,7 ha[19], điểm cao lên đến 295m, đây là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, là túi nước ngọt, có nhiệm vụ quan trọng là lá phổi xanh điều hòa khí hậu, chống xói mòn cho công trình thủy lợi quốc gia hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt nước trên 27.000 ha, chứa trên 1,7 tỷ m3 để cung cấp nguồn nước cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Ở khu vực núi Cậu - vùng đất bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng có cảnh quan và điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho phát triển khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện trạng nơi đây vừa có núi - đồi, có suối - thác nước, có rừng cây bản địa, có vùng đất bán ngập, có hồ nước rộng lớn, có di tích lịch sử - cách mạng - văn hóa - tâm linh, vị trí không quá xa các trung tâm đô thị lớn của vùng Đông Nam Bộ khi chỉ di chuyển khoảng từ 2 giờ đi ô tô. Nơi đây, có các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường[20], theo hướng du lịch cắm trại dã ngoại, chèo thuyền Kayak, khám phá thiên nhiên, sinh hoạt tập thể cộng đồng với các công trình nổi tiếng như hồ Dầu Tiếng, chùa Thái Sơn, cụm điện năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, khu căn cứ cách mạng rừng Kiến An được hình thành từ thời Pháp thuộc, chiến khu Long Nguyên, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh,…
Điều kiện tự nhiên đã quá thuận lợi, việc cần làm ngay để có được một Bukit Timad, một khu bảo tồn thiên nhiên trong vài chục năm tới trên đất Bình Dương, đó là làm tốt công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu và đầu tư những hạn mục chính cơ bản tạo nền tảng của nhà nước, từ đó kêu gọi mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư vào những hạn mục bổ trợ, quản lý và đưa vào khai thác để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất.
Khi hình thành, nơi đây không chỉ là lá phổi xanh cho Bình Dương mà cho cả vùng Đông Nam Bộ, là nơi sinh hoạt văn hóa - lịch sử - tâm linh - thể thao cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Đây cũng là nơi lưu giữ và nhân giống, phát triển các giống cây quý, các giống cây bản địa và các nơi khác ở mọi miền đất nước và trên thế giới, phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết của địa phương sẽ được quy tập về nhằm tăng thêm sự đa dạng sinh học cho địa phương, vừa là nơi cung cấp các giống cây quý cho các công trình; cũng là nơi bảo tồn, chăm sóc các cá thể động - thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và thăm quan du lịch của mọi người.
Chúng ta phải triển khai thật khẩn trương vì tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương rất cao và rất nhanh, nếu chậm trễ sẽ tạo sự manh mún, không liên hoàn, không thể đáp ứng được yêu cầu của một khu bảo tồn thiên nhiên hoàn chỉnh. Ở trên tôi có trình bày, đây là khu vực phía Bắc của tỉnh, dân cư còn thưa thớt, nhưng nhìn rộng ra cho đôi mươi năm nữa và với chủ trương di dời các khu công nghiệp lên các địa phương phía Bắc thì nơi đây sẽ đông đúc, hạ tầng sẽ đầy đủ, nếu quy hoạch và triển khai quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên ở nơi đây sẽ trở thành “rừng trong thành phố Bình Dương” trong tương lai, tạo ra bầu không khí trong lành, đa dạng sinh học, giữ lại nguồn nước sạch không bị rửa trôi, sẽ là điểm nhấn mảng xanh của đô thị Bình Dương, là địa điểm thu hút du khách, là “báo vật thiên nhiên” mà rất ít địa phương có được. Đồng thời, tránh được tình trạng như các địa phương phía Nam của tỉnh khan hiếm diện tích đất đủ lớn để đầu tư các công trình công cộng, các công trình phúc lợi xã hội.
3. Đánh giá thuận lợi - khó khăn và đề xuất, kiến nghị khi triển khai chủ trương phủ xanh Bình Dương
Khi viết đến đây, thật sự tôi rất tâm tư suy nghĩ, chúng ta có thể có nhiều điều chưa tốt hơn họ nhưng chí ít không phải là việc trồng và chăm sóc cây xanh, điều mà đáng lý Singapore phải học tập Việt Nam (Bình Dương) trong vấn đề này vì nước ta được mỹ danh là “Rừng vàng - Biển bạc”, thiên nhiên chúng ta thuận lợi hơn họ, chúng ta có truyền thống sản xuất nông nghiệp từ “ngàn đời” nay, nhưng khi đi thực tế thật sự họ đã làm tốt hơn ta, mà lý ra là phải ngược lại. Phải thật sự cầu thị, vấn đề nào chúng ta chưa tốt thì phải được nhận thấy, phải biết tiếp nhận và học hỏi thì mới làm tốt mọi việc trong tương lai.
- Thuận lợi:
+ Quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo, các cấp chính quyền và người dân.
+ Hiện đang vẫn còn quỹ đất đủ để phục vụ cho phát triển các công viên sinh thái, các khu bảo tồn thiên nhiên.
+ Có nhiều công viên hiện hữu có thể nâng cấp đáp ứng đủ điều kiện bổ trợ theo nhu cầu.
+ Là tỉnh có mảng xanh hiện hữu tương đối lớn nên công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị sẽ không quá khó khăn.
+ Bình Dương được bao bộc bởi các con sông lớn như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé, sông Thị Tính,… và hồ Dầu Tiếng là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, hồ Phước Hòa, hồ Cần Nôm,… đã tạo môi trường thuận lợi, đủ nguồn nước phục vụ cho phát triển công - nông nghiệp, du lịch và rất thích hợp cho việc hình thành khu bảo tồn thiên nhiên.
- Khó khăn:
+ Trình độ dân trí chưa cao nên ý thức bảo vệ môi trường (săn bắt chim - thú, chặt hạ cây,…), ý thức chăm sóc cây, ý thức sinh hoạt cộng đồng chưa được phát huy đúng mức.
+ Đầu tư cho lĩnh vực này cần nguồn kinh phí rất lớn, mà ngân sách còn nhiều nội dung phải chi, nhất là những khoản chi cho đầu tư phát triển hạ tầng.
+ Tập quán nhà ở riêng lẻ, bám sát mặt đường cũng là trở ngại vì không có được khoảng không gian đủ lớn, liên hoàn, đồng bộ cho việc phát triển cây - mảng xanh.
+ Chưa lựa chọn được giống cây thật sự phù hợp để trồng ở đô thị vừa tạo cảnh quan vừa lấy bóng mát.
+ Chưa có sự hưởng ứng và kêu gọi hưởng ứng tích cực của cả hai phía là nhà nước và Nhân dân cùng trồng, cùng chăm sóc khi triển khai Lễ phát động Tết trồng cây.
+ Cấp độ quản lý nhà nước của Bình Dương và Singapore là khác nhau, một bên là một cấp quản lý Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách và thực hiện chính sách; còn đối với Bình Dương là cấp thực hiện chính sách là chính nên có phần gò bó hơn, không có sự chủ động, vì là chính sách chung cho cả nước nên có thể không hoàn toàn phù hợp cho những tỉnh phát triển như Bình Dương (mặc dù Tỉnh có thể ban hành các nghị quyết đặc thù nhưng vẫn phải ở trong khung quy định chung và cũng chỉ mang tính giải pháp tình thế là chính).
- Đề xuất – kiến nghị
+ Tỉnh nên khẩn trương thực hiện công tác quy hoạch, khoanh vùng, cắm móc để tránh tình trạng chồng lấn, xâm hại trong canh tác của người dân ảnh hưởng đến khu vực cần triển khai đầu tư và hoạch định kinh phí, phân kỳ đầu tư trong ngắn hạn và trung - dài hạn.
+ Ngoài việc thực hiện đầu tư các hạng mục chính, quan trọng, đầu tư tạo đầu tư như: xây dựng các trục đường chính, các trục đường xương sống trong toàn khu; xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý. Khi đã hoàn thành các hạng mục quan trọng này, nhà nước kêu gọi mọi thành phần kinh tế cùng đầu tư vào các hạng mục khác như: đầu tư các Safari bán hoang dã, các khu hậu cần dịch vụ, đầu tư trồng rừng,…
+ Khi hình thành, chúng ta sẽ có thể giao dịch thương mại Tín chỉ carbon rừng, và thể hiện quyền phát thải carbon dioxide (CO2) tương đương vừa có thể thu được kinh phí đầu tư lại cho khu bảo tồn thiên nhiên vừa phục vụ cho phát triển công nghiệp tỉnh nhà. Theo đó, đề xuất mở ra sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên và lớn nhất khu vực phía Nam để bán cho các Doanh nghiệpn ở VN. (Có thể giao nhiệm vụ này cho TCTy Becamex quản lý kinh doanh).
+ Đối với các công viên đô thị hiện hữu nên đầu tư giống mô hình của Botanic Gardens thu nhỏ vì diện tích và kinh phí không quá lớn, dễ quản lý, chăm sóc.
+ Khi phát động Lễ trồng cây nên kêu gọi người dân cùng tham gia hưởng ứng và nên gắn liền tên người dân hoặc gia đình của họ với cây mà họ đã tham gia trồng, sau khi trồng mời họ cùng tham gia chăm sóc, giữ gìn cùng nhà nước (điều này ở Singapore và các nước đã thực hiện từ rất lâu).
+ Nên đầu tư trồng nhiều cây bản địa như cây Dầu con rái, cây Sao đen, cây Dênh Dênh, cây Giáng Hương, cây Gỏ đỏ, cây Căm Xe, cây Xà Cừ,… ở những khu vực có diện tích lớn để tạo dựng bản sắc, lưu giữ những giống cây gắn liền với địa danh của một vùng đất, một tên làng (làng Giáng Hương, xóm Bông Trang, xóm Mù U, ấp Căm Xe,…).
+ Đối với các khu vực đô thị cần nghiên cứu trồng các giống cây thích hợp cho nội ô cả về chiều cao, chiều to thân cây, rễ, tán lá, hoa, quả và định kỳ chăm sóc cho phù hợp. Đối với vỉa hè có trồng cây và có công trình lưới điện thì đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và ngành điện, từ hệ thống trụ và dây điện bảo đảm hài hòa giữa phát triển cây xanh và bảo vệ lưới điện (nâng cao hệ thống trụ điện qua khỏi ngọn cây khi cây còn nhỏ, hoặc hạ thấp đường dây điện xuống dưới ngọn cây khi cây đã lớn).
+ Nhà nước nên quan tâm đầu tư trồng cây xanh với số lượng lớn ở các dịp Lễ phát động trồng cây[21] (Singapore đã đầu tư trồng hơn 200.000 cây xanh/năm[22]) và có thể chia ra thành nhiều đợt lễ, có như vậy thì tốc độ xanh hóa Bình Dương mới đạt như kỳ vọng.
+ Singapore cử nhà quản lý của Ủy ban công viên quốc gia đi các nước tìm giống cây phù hợp đem về trồng khắp nơi, Bình Dương cũng nên học theo cách làm này để tạo nên sự phong phú, đa dạng sinh học, lựa chọn được cây thích hợp cho từng khu vực.
Kết luận
Trong khoảng thời gian ngắn Bình Dương không thể có được một Bukit Timad, một Botanic Gardens với điều kiện đầu tư ngân sách như hiện nay, mặc dù điều kiện tự nhiên chúng ta có thể đáp ứng. Ủy ban công viên quốc gia Singapore hàng năm được đầu tư hàng trăm triệu SGD[23], đây là con số đáng mơ ước khi mà ngân sách của tỉnh Bình Dương dành cho lĩnh vực này chỉ bằng một phần rất nhỏ, mặc dù diện tích của quốc gia Singapore chỉ tương đương một huyện của tỉnh Bình Dương. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển, việc đầu tư từ hôm nay nhưng hiệu quả mang lại sẽ vô cùng lớn ở tương lai. Tương tự như Singapore, bắt đầu thực hiện chiến lược xanh hóa đất nước từ những năm 1960, kết quả đến hiện nay đã được thế giới công nhận, Bình Dương cũng nên bắt tay ngay từ hôm nay, với kinh phí đủ lớn cho lĩnh vực này thì tương lai không xa nơi đây không chỉ có một dấu hiệu chỉ dẫn là “Thủ phủ công nghiệp” mà còn là “Thủ phủ môi trường Xanh” của Việt Nam.
Thông điệp đến với mọi người là hãy cùng chung tay “Vì lợi ích mười năm trồng cây”./.
Nguyễn Quốc Trí
PCVP – Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Bình Dương
[3] Tôi được biết, chỉ riêng phần lõi của Trung tâm thành phố mới Bình Dương (khoảng 1.000 ha), kinh phí ngầm hóa hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
[6] HDV đã trở thành tuyên truyền viên xuất sắc cho đất nước Singapore trong công tác bảo vệ môi trường.
[7] Đô la Singapore, tiền tệ chính thức của Singapore với tỷ giá liên ngân hàng/Việt Nam đồng là 18.907,13đ, ngày 19/5/2024.
[14] Tôi được biết đồ án quy hoạch tổng thể của thành phố mới Bình Dương là do Đại học Quốc gia Singapore nghiên cứu, chấp bút, phát họa.
[16] Botanic Gardens là khu vườn đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) vào 4/7/2015. Là vườn thực vật nhiệt đới đầu tiên và duy nhất trong Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Là vườn thực vật đầu tiên ở châu Á và thứ ba được ghi tên trên thế giới.
[19] Theo báo cáo phương án quản lý rừng bền vững – rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng giai đoạn 2020 – 2030 của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương.
[20] Điều 3 Luật Du lịch 2017.
[23] https://www.nas.gov.sg/archivesonline/government_records/docs/1eb364a1-8632-11e6-9af5-0050568939ad/28092016S.125of2016.pdf?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. DANH MỤC VĂN BẢN CỦA ĐẢNG - PHÁP LUẬT NHÀ NƯỚC
1. Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
2. Luật Lâm nghiệp năm 2019.
3. Luật Di lịch năm 2017.
4. Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
5. Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
6. Tài liệu nghiên cứu lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quy hoạch nguồn cấp ủy tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030.
7. Thông báo về việc viết bài thu hoạch cuối khóa.
8. Báo cáo phương án quản lý rừng bền vững - rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng giai đoạn 2020 - 2030 của Sở NN&PTNN tỉnh Bình Dương.