NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Triệu tập các kỳ họp của Hội đồng nhân dân; phối hợp với Ủy ban nhân dân trong việc chuẩn bị kỳ họp của Hội đồng nhân dân.
2. Đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước khác ở địa phương thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
3. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật tại địa phương.
4. Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban của Hội đồng nhân dân; xem xét kết quả giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân khi xét thấy cần thiết và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất; giữ mối liên hệ với đại biểu Hội đồng nhân dân; tổng hợp chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân để báo cáo Hội đồng nhân dân; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân.
5. Tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân theo quy định của pháp luật; đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân để báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.
6. Phê chuẩn danh sách Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân và việc cho thôi làm Ủy viên của Ban của Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Trưởng ban của Hội đồng nhân dân.
7. Trình Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.
8. Quyết định việc đưa ra Hội đồng nhân dân hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân.
9. Báo cáo về hoạt động của Hội đồng nhân dân cùng cấp lên Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh báo cáo về hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp mình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
10. Giữ mối liên hệ và phối hợp công tác với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; mỗi năm hai lần thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về hoạt động của Hội đồng nhân dân.
II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Chủ tịch Hội đồng nhân dân lãnh đạo hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân giữ mối liên hệ với Ủy ban nhân dân, các cơ quan nhà nước, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, các tổ chức xã hội khác và công dân.
2. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
3. Các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân; chịu trách nhiệm cá nhân trước Thường trực Hội đồng nhân dân về nhiệm vụ, quyền hạn được Thường trực Hội đồng nhân dân phân công; tham gia các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân.
III. PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động chủ yếu của Thường trực Hội đồng nhân dân. Tại phiên họp, Thường trực Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Khi xét thấy cần thiết, Thường trực Hội đồng nhân dân có thể họp đột xuất theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân tham dự.
3. Chủ tịch Hội đồng nhân dân quyết định thời gian, chương trình, chỉ đạo việc chuẩn bị và chủ tọa phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; nếu Chủ tịch Hội đồng nhân dân vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân được Chủ tịch Hội đồng nhân dân ủy quyền chủ tọa phiên họp.
4. Thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp, nếu vì lý do đặc biệt không thể tham gia thì phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
5. Đại diện Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp được mời tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội được mời tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
6. Đại diện Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan có thể được mời tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân khi bàn về vấn đề có liên quan.
7. Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo thuộc nội dung chương trình phiên họp theo sự phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
IV. TIẾP CÔNG DÂN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình tiếp công dân; xây dựng các quy định, thủ tục về tiếp công dân bảo đảm đúng pháp luật và phù hợp với tình hình của địa phương; sắp xếp lịch tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân; bố trí công chức có đủ trình độ, năng lực và am hiểu về pháp luật để làm nhiệm vụ tiếp công dân; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử.
2. Chủ tịch Hội đồng nhân dân phải có lịch tiếp công dân. Tùy theo yêu cầu của công việc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân bố trí số lần tiếp công dân trong tháng. Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thể ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Ủy viên của Thường trực Hội đồng nhân dân tiếp công dân, nhưng ít nhất mỗi quý Chủ tịch Hội đồng nhân dân phải bố trí thời gian 01 ngày để trực tiếp tiếp công dân.
THÀNH VIÊN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Địa chỉ: Tầng 15, Tháp B, Trung tâm Hành chính tỉnh, đường Lê Lợi, phường Hoà Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
CHỦ TỊCH
Đại biểu Nguyễn Văn Lộc
Sinh ngày: 06/11/1966
Quê quán: Vũ Thư, Thái Bình
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Chính trị học chuyên ngành Xây dựng Đảng
Chức vụ, đơn vị công tác: Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương
Nơi ở hiện nay: Khu phố 5, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
PHÓ CHỦ TỊCH
Đại biểu Nguyễn Trường Nhật Phượng
Sinh ngày: 01/01/1979
Quê quán: Chánh Mỹ, Thủ Dầu Một, Bình Dương
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật
Chức vụ, đơn vị công tác: Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nơi ở hiện nay: phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
ỦY VIÊN
3. Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách - Đại biểu Trần Thị Minh Hạnh
Sinh ngày: 20/06/1981
Quê quán: Tân Định, Bến Cát, Bình Dương
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật
Chức vụ, đơn vị công tác: Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh
Nơi ở hiện nay: phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
4. Trưởng Ban Pháp chế - Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Mai
Sinh ngày: 25/06/1987
Quê quán: Phú Mỹ, Thủ Dầu Một, Bình Dương
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật Kinh tế
Chức vụ, đơn vị công tác: Trưởng ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh
Nơi ở hiện nay: Phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
5. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội - Đại biểu Nguyễn Thị Thảo Nguyên
Sinh năm: 12/3/1982
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Báo chí Truyền thông
Nghề nghiệp, chức vụ: Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh
Nơi làm việc: Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương
Nơi ở hiện nay: Khu 1, D127, đường Yersin, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương