Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy: Lấy kết quả thực hiện để lựa chọn cán bộ
TP - Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là các ủy viên Ban Chấp hành T.Ư cần gương mẫu đi đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Kết quả thực hiện tinh gọn bộ máy nên được coi là một tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá, quy hoạch, lựa chọn cán bộ cho Đại hội XIV của Đảng.
Tinh gọn bộ máy để vươn mình
Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đang là một yêu cầu cấp thiết đặt ra để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư ngày 25/11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là công việc phải làm nhanh, sớm hoàn thành trước Đại hội Đảng lần thứ XIV. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.
“Cán bộ nêu gương là cán bộ sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, vì lợi ích chung để thực hiện cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy. Còn ai không nêu gương thực hiện nên xem xét không đưa vào quy hoạch cấp ủy khóa tới”. ông Nguyễn túc - Ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Bày tỏ sự đồng tình với quan điểm chỉ đạo mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết, trong những nhiệm kỳ qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Bộ máy các cơ quan Nhà nước từ T.Ư đến địa phương còn trùng lặp chức năng, nhiệm vụ dẫn đến một việc nhưng nhiều cơ quan làm, tới khi xảy ra vấn đề lại không rõ trách nhiệm. “Bộ máy của chúng ta đông nhưng không mạnh, chưa chuyên nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thủ tục hành chính lòng vòng qua nhiều khâu, nhiều cấp, làm ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của người dân, doanh nghiệp”, ông Túc nói.
Theo ông Túc, do số lượng biên chế nhiều nên hơn 60% ngân sách dành cho chi thường xuyên, tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm hơn 30%. “Nếu cứ duy trì tỷ lệ chi đó thì tiền đâu để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các lĩnh vực đang đòi hỏi nguồn vốn rất lớn như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị cũng như các công trình phát triển kinh tế, xã hội các vùng miền khác”, ông Túc nói.
|
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương ngày 25/11 nhấn mạnh yêu cầu cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy. Ảnh: NHẬT MINH
|
Vậy nên, ông đánh giá rất cao quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy lần này. “Đảng đã xác định, Đại hội XIV là thời điểm đánh dấu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Muốn vươn mình thì trước hết phải cải cách tổ chức bộ máy, chứ bộ máy vẫn duy trì như cũ thì vươn mình sao được”, ông Túc nói.
Ở góc độ kinh tế, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 40 năm đổi mới, kinh tế đã được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ cũ, có nhiều điểm không còn phù hợp.
“Tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian là một trong những nguyên nhân dẫn đến thủ tục hành chính rườm rà, cơ chế xin - cho gây cản trở, làm lỡ cơ hội phát triển”, ông Lược nói. Vì vậy, theo ông Lược, việc cải cách tổ chức bộ máy được Đảng và Nhà nước nêu ra lần này có ý nghĩa như là sự khởi đầu của cuộc “đổi mới lần 2”. “Nếu chúng ta thực hiện hiệu quả thì chắc chắn sẽ tạo ra những bước đột phá mới về kinh tế, xã hội của đất nước”, ông Lược bày tỏ.
Ông Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, khi trao đổi với báo chí bên lề hội thảo khoa học quốc gia Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam do Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng T.Ư tổ chức, cho rằng, đổi mới về hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả cần được xem là “một cuộc cách mạng thực sự”. “Nếu chỉ dừng lại ở đổi mới, cải cách sẽ khó mà vượt qua được những căn bệnh cố hữu như: cồng kềnh, trì trệ, kém linh hoạt”, ông Thông nói.
Ai không làm nên đứng sang một bên
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, phức tạp. Muốn thực hiện có hiệu quả đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đơn vị. Đặc biệt, ông Túc nhấn mạnh vai trò nêu gương của các ủy viên T.Ư Đảng trong việc thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy.
“Hầu hết ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng đều đang giữ các chức vụ quan trọng của bộ máy, từ bộ trưởng, trưởng ngành, các cơ quan của Chính phủ cho đến các cơ quan của Quốc hội… Khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, có thể có người không còn được ở vị trí cũ, nếu đồng thuận vì lợi ích chung thì sắp xếp thuận lợi, ngược lại chỉ nghĩ tới cá nhân thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện”, ông Túc nói.
Ở thời điểm này, theo ông Túc, cần nêu cao trách nhiệm nêu gương của các ủy viên Ban Chấp hành T.Ư trong thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. “Các quy định nêu gương đã có rồi cần phải thực hiện nghiêm”, ông Túc nói. Để thực hiện hiệu quả công tác này, ông Túc cho rằng, nên lấy kết quả thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là một tiêu chí để đánh giá, xem xét lựa chọn cán bộ trong nhiệm kỳ tới.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư, cho rằng, vai trò nêu gương của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. “Người đứng đầu mà không thông, không nêu gương trong thực hiện thì cả cơ quan, đơn vị sẽ bị ảnh hưởng. Ngược lại, người đứng đầu đồng tình ủng hộ thì mọi việc sẽ được hanh thông”, ông Hà nói.
Đánh giá đây là thời điểm phù hợp để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, một chuyên gia cho rằng, hiện nay công tác chuẩn bị đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng đang được thực hiện, do đó rất thuận lợi trong việc gắn công tác sắp xếp tổ chức bộ máy với quy hoạch, lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ tới. “Nếu để sau Đại hội mới làm, thì lúc đó sẽ nảy sinh rất nhiều vướng mắc và lực cản cũng sẽ lớn hơn”, vị chuyên gia nói.