Công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài trong trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam
Bài viết đề cập đến vấn đề thực tiễn việc công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài của nữ công dân Việt Nam với nam công dân nước ngoài trong trường hợp vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đồng thời kiến nghị giải pháp để giải quyết vấn đề nêu trên, hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em trong quan hệ hôn nhân và gia đình
Ngày nay, khi thế giới ngày càng “phẳng” đi, các cá nhân tự do di chuyển, sống và làm việc giữa các quốc gia đã tạo nên sự giao thoa, tiếp biến đa dạng, dung hòa trong sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Trong sự cởi mở đó, quan hệ hôn nhân của công dân Việt Nam với công dân nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều. Sau kết hôn, công dân Việt Nam đã có sự hòa nhập nhanh chóng vào cộng đồng văn hóa – xã hội nước sở tại. Họ luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với quê hương Việt Nam. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn có những bản sắc riêng, do đó có sự khác biệt, không thống nhất về văn hóa, tôn giáo, đặc biệt là hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia là khác nhau và chế độ hôn nhân – gia đình của mỗi quốc gia cũng có khác nhau, nên đã xuất hiện xung đột pháp luật trong việc công nhận hôn nhân hợp pháp tại Việt Nam.

1. Thực tiễn việc công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài trong trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam
Điển hình là xung đột pháp luật về chế độ hôn nhân gia đình một vợ - một chồng[1] theo pháp luật Việt Nam và chế độ hôn nhân đa thê[2] của nam công dân có tôn giáo Islam[3]. Theo đó, nam công dân có tôn giáo Islam tại các quốc gia như liên bang Malaysia, Indonesia, các quốc gia khu vực Trung Đông,… có thể kết hôn đồng thời với bốn phụ nữ. Hệ quả pháp lý của vấn đề này là nữ công dân Việt Nam sẽ không thể thực hiện được thủ tục công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài tại Việt Nam vì vi phạm chế độ hôn nhân một vợ - một chồng, nếu ngay tại thời điểm kết hôn người chồng còn tồn tại hôn nhân với người phụ nữ khác.
Hiện nay, căn cứ để công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài mà không đáp ứng được điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam là Nghị định số 126/2014/NĐ-CP[4] và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP[5]. Theo đó, khoản 1 Điều 36 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định theo hướng “mở” công nhận việc kết hôn và hậu quả của vi phạm đó được khắc phục hoặc việc công nhận kết hôn là có lợi để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Quy định này thể hiện sự tiến bộ trong pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam xuất phát từ tinh thần nhân đạo sâu sắc. Tuy nhiên, quy định trên để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em lại không thể thực hiện được trên thực tế do có mâu thuẫn với quy định tại Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Theo khoản 1 Điều 34 Nghị định này về điều kiện ghi chú vào sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm của nước ngoài ở nước ngoài: “không vi phạm điều cấm tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”. Vấn đề mâu thuẫn giữa quy định của pháp luật hộ tịch và quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình trong việc công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài mà vi phạm điều kiện kết hôn trên thực tế đã dẫn đến việc cơ quan nhà nước, công chức có thẩm quyền khi áp dụng pháp luật luôn lựa chọn áp dụng pháp luật hộ tịch. Theo đó, pháp luật hộ tịch quy định không thực hiện thủ tục công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài cho trường hợp vi phạm về điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Những hậu quả pháp lý đối với phụ nữ và trẻ em sinh ra trong cuộc hôn nhân không được công nhận hôn nhân tại Việt Nam nhưng đã được xác lập việc kết hôn ở nước ngoài
- Về quyền tài sản tại Việt Nam: nếu hai vợ chồng có phát sinh tài sản ở Việt Nam trong giai đoạn hôn nhân, sau đó xảy ra tranh chấp với người vợ là nữ công dân Việt Nam hoặc người chồng mất đi mà không để lại di chúc thừa kế thì pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cũng không thể áp dụng để phân chia phần tài sản này, chỉ có thể áp dụng pháp luật dân sự để giải quyết. Như vậy, có thể thấy, phần thiệt thòi rất lớn thuộc về phía nữ công dân và trẻ em Việt Nam trong trường hợp này.
- Về quyền nhân thân: trong đời sống xã hội, phụ nữ khi đi đến hôn nhân đều có tâm lý mong muốn được pháp luật và xã hội công nhận hôn nhân hợp pháp. Về pháp lý, họ không phải là vợ chồng, không có cơ sở pháp lý ràng buộc họ phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đôi với nhau trong quan hệ hôn nhân ở Việt Nam.
- Về quyền ly hôn: công dân Việt Nam không được công nhận hôn nhân, do đó không thể thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Về bảo hộ quyền công dân ở nước ngoài: “Pháp luật chỉ bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình nếu phù hợp với pháp luật Việt Nam”[6]. Như vậy, trong trường hợp này nếu có xảy ra tranh chấp ở nước ngoài mà phần bất lợi thuộc về phía phụ nữ và trẻ em Việt Nam thì Nhà nước Việt Nam cũng không thể bảo hộ công dân của mình vì không phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.
- Đối với quyền trẻ em: Rất khó có thể ghi tên cha trong giấy khai sinh do phải thực hiện một số kỹ thuật y tế (xét nghiệm ADN) để xác định cha - con, mà việc này là không thể khi cha mẹ trẻ đã ly hôn và đã trở về Việt Nam. Trên thực tế, có một số lượng lớn (theo thống kê sơ bộ, tỉnh Hậu Giang là 336[7] trường hợp và tỉnh Bình Dương là 51[8] trường hợp,…) trẻ theo mẹ về Việt Nam không có giấy tờ tùy thân, không thể khai sinh, không xác định được quốc tịch, ảnh hưởng đến việc hưởng bảo hiểm y tế của trẻ dưới 6 tuổi, việc học tập tại trường công lập, sự phát triển bình thường về mặt tâm sinh lý của trẻ em,…

- Tác động đến đời sống xã hội:
+ Định kiến xã hội và kỳ thị: Trong văn hóa Việt Nam, hôn nhân hợp pháp thường được xem là nền tảng của gia đình và là biểu tượng của sự ổn định xã hội. Khi một cuộc hôn nhân xác lập ở nước ngoài không được công nhận tại Việt Nam, phụ nữ Việt Nam thường phải đối mặt với định kiến từ cộng đồng. Ví dụ, một phụ nữ từ Đồng Tháp, sau khi kết hôn với một công dân Malaysia theo luật Hồi giáo và trở về Việt Nam năm 2023, bị gia đình và hàng xóm coi là "vợ không chính thức" do hôn nhân không được ghi chú tại cơ quan hộ tịch. Điều này dẫn đến sự xa lánh, khiến cô gặp khó khăn trong việc tham gia các hoạt động cộng đồng như hội phụ nữ hoặc các sự kiện địa phương. Định kiến này không chỉ làm suy giảm vị thế xã hội của người phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến cách con cái của họ được đối xử trong cộng đồng.
+ Khó khăn trong hòa nhập cộng đồng: Việc không được công nhận hôn nhân làm hạn chế khả năng của phụ nữ và con cái trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như hỗ trợ từ các tổ chức địa phương hoặc quyền tham gia các chương trình phúc lợi. Một trường hợp tại Hà Nội năm 2024 cho thấy, một phụ nữ trở về từ Nigeria cùng con nhỏ không thể đăng ký hộ khẩu cho con do thiếu giấy tờ hôn nhân hợp pháp. Điều này khiến đứa trẻ bị từ chối nhập học tại trường công lập địa phương, dẫn đến sự cô lập của cả mẹ và con trong cộng đồng. Những rào cản này làm gia tăng cảm giác bị loại trừ, khiến việc tái hòa nhập vào xã hội Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
- Tác động đến tâm lý của phụ nữ Việt Nam:
+ Cảm giác bất an và mất niềm tin: Phụ nữ Việt Nam trong các cuộc hôn nhân không được công nhận thường trải qua cảm giác bất an về tình trạng pháp lý và xã hội của mình. Họ có thể cảm thấy bị kẹt giữa hai hệ thống pháp luật và văn hóa, không được bảo vệ bởi cả luật pháp Việt Nam lẫn quốc gia nơi hôn nhân được xác lập. Một ví dụ tại TP. Hồ Chí Minh năm 2022 cho thấy, một phụ nữ kết hôn với một công dân Indonesia theo chế độ đa thê đã rơi vào trạng thái trầm cảm sau khi trở về Việt Nam, do không thể chứng minh tư cách pháp lý của mình để đòi quyền nuôi con sau ly hôn. Sự thiếu minh bạch về quyền lợi và nghĩa vụ trong hôn nhân làm gia tăng căng thẳng tâm lý, khiến nhiều phụ nữ cảm thấy mất niềm tin vào hệ thống pháp luật và xã hội.
+ Áp lực từ trách nhiệm gia đình: Trong văn hóa Việt Nam, phụ nữ thường chịu áp lực lớn trong việc duy trì vai trò làm mẹ và làm vợ. Khi hôn nhân không được công nhận, họ phải đối mặt với trách nhiệm nuôi dạy con cái một mình mà không có sự hỗ trợ pháp lý hoặc tài chính từ người chồng. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi người chồng ở nước ngoài không có nghĩa vụ pháp lý tại Việt Nam. Ví dụ, một phụ nữ tại Cần Thơ năm 2023 đã phải làm việc nhiều công việc cùng lúc để nuôi con sau khi trở về từ Ả Rập Saudi, vì cô không thể yêu cầu chồng chu cấp do hôn nhân không được công nhận. Áp lực này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của họ.
3. Một số kiến nghị hướng đến việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em
Việc công nhận hôn nhân xác lập ở nước ngoài, đặc biệt trong các trường hợp vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, đang đặt ra nhiều thách thức pháp lý tại Việt Nam. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trong các mối quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, cần có những cải cách pháp luật cụ thể nhằm giải quyết xung đột pháp luật, bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản và tạo cơ chế linh hoạt cho việc công nhận có điều kiện. Dưới đây là các khuyến nghị chi tiết về sửa đổi và bổ sung các điều khoản trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tập trung vào các vấn đề liên quan đến hợp đồng hôn nhân và cơ chế công nhận hôn nhân vi phạm chế độ một vợ một chồng. Các kiến nghị này chỉ nhằm hướng đến mục đích bảo vệ quyền và lợi ich của phụ nữ và trẻ em Việt Nam – những chủ thể yếu thế trong quan hệ hôn nhân và gia đình, hoàn toàn không đề xuất việc hợp thức hóa hôn nhân đa thê trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ nhất, kiến nghị cho phép công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài cho một số trường hợp đặc biệt
Trường hợp đặc biệt là trường hợp không vi phạm quy định của pháp luật nước ngoài về hôn nhân đa thê, nơi người chồng có quốc tịch và là nơi phụ nữ Việt Nam và người chồng thực hiện đăng ký kết hôn, nhưng lại vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là chế độ hôn nhân một vợ - một chồng. Thực hiện nghiệp vụ ghi chú việc kết hôn theo hướng “mở”, tức là về mặt nghiệp vụ vẫn tiến hành công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài có vi phạm chế độ hôn nhân một vợ - một chồng. Vì nếu theo quy định của pháp luật hộ tịch, sẽ không có cơ sở bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của nữ công dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình nếu không phù hợp với pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Việc công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài này không phải hợp thức hóa vấn đề đa thê trên lãnh thổ Việt Nam, mà là ghi nhận lại sự kiện hôn nhân đã xảy ra ở nước ngoài để có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
Trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và một số quốc gia cho phép hôn nhân đa thê, mà điển hình là liên bang Malaysia – nơi có phát sinh số lượng tương đối lớn việc kết hôn giữa nữ công dân Việt Nam và nam công dân nước này (khoảng 7.000 trường hợp)[9]. Theo đó, hai quốc gia cùng tôn trọng chế độ hôn nhân của nhau. Việt Nam có thể công nhận hợp đồng hôn nhân giữa nữ công dân Việt Nam và nam công dân của quốc gia có chế độ đa thê được lập tại nước ngoài. Trên nguyên tắc dùng hợp đồng hôn nhân chỉ để giải quyết các vấn đề về quyền tài sản và quyền nhân thân trong hôn nhân nếu có tranh chấp phát sinh tại Việt Nam. Đồng thời, cho phép bảo trợ toàn diện, hỗ trợ pháp lý cho công dân Việt Nam khi phát sinh các sự kiện pháp lý liên quan đến hôn nhân và gia đình tại các quốc gia có phát sinh sự kiện pháp lý nêu trên.
Để bổ sung và tăng cường hiệu quả của các hiệp định, Việt Nam nên phối hợp với các quốc gia đối tác xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin pháp lý, bao gồm việc trao đổi dữ liệu về tình trạng hôn nhân, quyền nuôi con và các vấn đề tài sản chung. Ngoài ra, cần tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức pháp luật cho công dân Việt Nam trước khi kết hôn với người nước ngoài, giúp họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ theo luật pháp của cả hai quốc gia. Các cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài cũng cần được tăng cường năng lực để hỗ trợ công dân trong các tranh chấp hôn nhân, đảm bảo quyền lợi của họ được bảo vệ một cách toàn diện. Những biện pháp này không chỉ củng cố quan hệ hợp tác quốc tế mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam trong các mối quan hệ hôn nhân xuyên biên giới.
Thứ ba, hợp đồng hôn nhân
Hợp đồng hôn nhân theo quy định của tôn giáo[10] và pháp luật thế tục tại các quốc gia có tôn giáo Islam và công nhận hôn nhân đa thê là công cụ hữu hiệu để công dân Việt Nam tự bảo vệ trong cuộc sống hôn nhân tại nước ngoài. Mục tiêu là giải quyết một số vấn đề cơ bản phát sinh trước, trong và sau hôn nhân tại Tòa án tôn giáo Islam. Nữ công dân Việt Nam ở các quốc gia này cần được trang bị kiến thức về hợp đồng hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn với nam công dân có tôn giáo Islam.
Để sử dụng hợp đồng hôn nhân tại Việt Nam, trước hết pháp luật Việt Nam cần cho phép nữ công dân Việt Nam thực hiện thủ tục công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài mà vi phạm chế độ hôn nhân một vợ - một chồng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với trường hợp này thì chỉ dùng thủ tục công nhận hôn nhân được xác lập ở nước ngoài cho việc bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, hợp đòng hôn nhân theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam tồn tại dưới dạng văn bản thỏa thuận chung giữa hai vợ chồng về chế độ tài sản trước khi kết hôn, được quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy, pháp luật Việt Nam đã cho phép thỏa thuận về tài sản, nhưng còn bỏ ngỏ quy định về quyền nhân thân. Để hợp đồng hôn nhân được lập tại nước ngoài không xung động với pháp luật Việt Nam và có thể công nhận giá trị pháp lý trên lãnh thổ Việt Nam, thì pháp luật hôn nhân và gia đình cần sớm công nhận hợp đồng hôn nhân với đầy đủ các quy định về quyền tài sản, quyền nhân thân.
Thứ tư, dịch thuật và công bố quy định về pháp luật tôn giáo Islam và pháp luật các nước cho phép hôn nhân đa thê
Qua thực tiễn công tác, tác giả nhận thấy việc hiểu biết về pháp luật nước sở tại nơi kết hôn của nữ công dân Việt Nam còn nhiều hạn chế. Từ đó, họ chưa ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, đó là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật hoặc không được thụ hưởng những quyền chính đáng mà lẽ ra họ được hưởng, được biết về môi trường xã hội, tôn giáo, pháp luật đất nước sẽ đến định cư. Hướng đến mục tiêu cung cấp đầy đủ kiến thức pháp luật cho nữ công dân Việt Nam trước khi kết hôn[11], theo đó phải giải thích rõ cho nữ công dân Việt Nam biết về những phung tục tập quán khác lạ và quy định pháp luật, điều kiện nhập cư, sinh sống tại nước ngoài trước khi kết hôn. Vì vậy, Bộ Tư pháp chỉ đạo các bộ phận trực thuộc sớm phối hợp, tiến hành dịch thuật văn bản Luật Tôn giáo Islam, Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình của một số quốc gia ra ngôn ngữ tiếng Việt nơi có nữ công dân Việt Nam kết hôn và sinh sống chiếm tỷ lệ cao. Đồng thời, tích cực sưu tầm và lược dịch các quy định về phong tục tập quán, văn hóa, lối sống, mối quan hệ giữa các thành viên trong hệ gia đình Islam để dùng làm cẩm nang cho cán bộ tư pháp – hộ tịch, trợ giúp viên pháp lý, cán bộ hội – đoàn thể ở cơ sở khi thực hiện nghiệp vụ chuyên môn, thực hiện công tác xã hội có thể tư vấn, trợ giúp pháp lý cho công dân đang có ý định kết hôn với công dân quốc gia có chế độ đa thê.
Thứ năm, hỗ trợ tâm lý và hòa nhập cộng đồng cho bà mẹ và trẻ em
Việc không công nhận hôn nhân quốc tế thường gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc cho phụ nữ và con cái họ, từ cảm giác bị kỳ thị đến khó khăn trong hòa nhập cộng đồng. Các tổ chức xã hội có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý để giúp họ vượt qua những thách thức này.
- Tư vấn tâm lý: Hội Phụ nữ có thể tổ chức các nhóm hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ trở về từ các cuộc hôn nhân quốc tế. Một chương trình tại Đà Nẵng năm 2023 do Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em[12] triển khai đã giúp hơn 100 phụ nữ chia sẻ câu chuyện của mình, giảm bớt cảm giác cô lập và xây dựng lại sự tự tin để tái hòa nhập.
- Hỗ trợ kinh tế và việc làm: Các tổ chức như Hội Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp[13] đã triển khai các chương trình đào tạo nghề và hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ trở về từ các cuộc hôn nhân không được công nhận. Năm 2024, chương trình này đã giúp 50 phụ nữ tại địa phương học nghề may và mở cửa hàng nhỏ, từ đó cải thiện thu nhập và vị thế xã hội.

- Xây dựng cộng đồng hỗ trợ: Các tổ chức xã hội có thể tạo ra các nhóm cộng đồng hoặc diễn đàn trực tuyến để phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, nhóm "Phụ nữ Việt kết hôn quốc tế" trên mạng xã hội, được quản lý bởi một tổ chức phi chính phủ tại TP. Hồ Chí Minh, đã thu hút hơn 2.000 thành viên vào năm 2024, trở thành nơi phụ nữ trao đổi thông tin về pháp luật, văn hóa và cách vượt qua định kiến xã hội.
Các hỗ trợ này không chỉ giúp phụ nữ và con cái họ vượt qua tổn thương tâm lý mà còn tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt xã hội.
Tóm lại, các trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài luôn là chủ đề nóng cần được thảo luận thường xuyên để tìm ra hướng giải quyết thích hợp nhất theo yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đã đặt ra. Trong đó, vấn đề quan trọng là nghiên cứu và xây dựng đầy đủ các chế định pháp lý nhằm thông qua đó đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam, xử lý hài hòa các mối quan hệ hôn nhân do xung đột pháp luật giữa các quốc gia có quan điểm pháp luật trái ngược với quan điểm pháp luật của Việt Nam về hôn nhân và gia đình nhưng không gây ra những ảnh hưởng bất lợi đối với các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế nói chung. Thực trạng pháp lý trên cần được nhìn nhận và giải quyết theo hướng bảo vệ quyền lợi của nữ công dân Việt Nam và trẻ em là con được sinh ra trong mối quan hệ hôn nhân của họ.
[1] Được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định hôn nhân tiến bộ một vợ - một chồng.
[2] Mục 23 Polygamy của Luật Gia đình Islam liên bang Malaysia.
[3] Islam: tên gọi chính thức, thống nhất của tôn giáo Hồi giáo, trong bài viết này tác giả dùng từ “Islam” để biểu thị tôn giáo Hồi giáo.
[4] Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, ngày 31/12/2014 của Chính phủ về điều kiện, hình thức công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài.
[5] Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, ngày 15/11/2015 cảu Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
[6] Quy định tại khoản 3 Điều 121 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[8] Báo cáo số 110/BC-UBND ngày 10/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về đánh giá thực trạng tình hình giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch của trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
[9] Công văn số 3238/CV-LSNN ngày 06/11/2015 của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao về tình hình cô dâu Việt Nam tại Malaysia.
[10] Xuất phát từ thuật ngữ Nikah11 hôn nhân được định nghĩa là một hợp đồng có mục đích để có được và sở hữu một thú vui. Và kinh Koran cũng chỉ ra rằng, đối với phụ nữ ly hôn, hỗ trợ tài chính nên được chu cấp một cách hợp lý, đó là nghĩa vụ của người đàn ông chân chính. Vì vậy, mới xuất hiện dạng hợp đồng hôn nhân trong hôn nhân của người Islam. Kinh Koran: Surah al-Baqarah câu 221, 230, 232; Surah al-Nisa câu 3, 22, 25; Surah al-Nur câu 3, 32, 33; Surah al-Ahzab câu 49.
[11] Công văn số 5780/HTQTCT-HT, ngày 12/11/2015 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực – Bộ Tư pháp về việc công dân Việt Nam kết hôn tại Malaysia.
[13] https://hlhpn.dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/9585885
Abstract: The article deals with the practice of recognition of marriage established in overseas between Vietnamese female citizen anh foreign male citizen in case of marital status violation according to the Law on Marriage and Family of Vietnam of 2014, at the same time, proposes solutions for resolving this problem towards the protection of rights and interests of women and children in marital and family relationships.
Keywords: Marriage recognition, Marital regime violation, Foreign marriage, Women's rights, Marriage contract, Judicial assistance
NCS. Nguyễn Quốc Trí
PCVP – Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Bình Dương