Pháp luật về sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam
Bài viết khái quát về thực trạng sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng đặc biệt là trong ngân hàng thương mại, đề cập đến những phương pháp quản trị mới, xây dựng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và kiểm soát nội bộ theo Hiệp ước Basel II để hạn chế những tác động tiêu cực của sở hữu chéo, hướng đến việc xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam lành mạnh, đạt chuẩn quốc tế.
Abstract: The article gives an overview of the current situation of cross-ownership in the credit institution system, especially in commercial Banks, on new management methods, especially the building of minimum capital adequacy ratio and internal control under Basel Treaty II to limit the negative effects of cross- ownership, aiming to build a healthy Vietnamese credit institution system that meets international standard.
Keywords: Cross-Ownership, Credit Institutions, Restructuring, Basel II, Internal Control, Financial Stability.
1. Khái quát về sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam
Việc góp vốn, mua cổ phần ở các doanh nghiệp nói chung và của các tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng là nghiệp vụ tài chính đơn thuần, có từ rất lâu và được thực hiện rộng khắp trên toàn thế giới, trong đó phải kể đến Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mới nổi, năng động trong khu vực thông qua các hoạt động này. Từ đây, cũng phát sinh vấn đề sở hữu, sở hữu chéo và xét rộng hơn là đầu tư chéo của các chủ thể trong các TCTD. Theo tác giả, Sở hữu chéo là việc đồng thời hai cổ đông (doanh nghiệp, cá nhân) có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau. Theo từ điển thương mại Cambridge, “sở hữu chéo là việc từ hai công ty có lợi ích liên quan nắm giữ cổ phần của nhau”; cũng theo từ điển Merriam - Webster[1] ghi nhận thuật ngữ sở hữu chéo chính thức được sử dụng từ năm 1969.
Sở hữu chéo nếu xét về khía cạnh kinh tế đó là việc huy động và sử dụng tổng hợp các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nếu sở hữu chéo không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ bởi pháp luật và nguyên tắc quản trị tài chính lành mạnh thì sở hữu chéo quá mức[2] sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, chi phối, gia tăng rủi ro cho toàn hệ thống. Do đó, nhận diện và có giải pháp kiểm soát vấn đề sở hữu chéo là rất cần thiết trong quá trình tái cơ cấu, tái cấu trúc hệ thống các TCTD. Giai đoạn trước năm 2010, kiểm soát tình hình sở hữu chéo, đầu tư chéo trong các TCTD chưa được quan tâm, chú trọng triệt để, quy định về giới hạn sở hữu trong TCTD và hạn chế sở hữu chéo còn chưa đầy đủ. Giai đoạn này đã hình thành các quan hệ sở hữu chéo và có nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực, ảnh hưởng đến thị trường tài chính - tiền tệ quốc gia, cụ thể như: Sở hữu cổ phần, góp vốn lẫn nhau giữa các TCTD, giữa TCTD với doanh nghiệp (sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau): Từ năm 2010, khi Luật các Tổ chức tín dụng được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành thì theo khoản 5 điều 129 quy định: “Giới hạn góp vốn, mua cổ phần” không cho phép TCTD góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính TCTD đó; sở hữu cổ phần, góp vốn giữa TCTD và doanh nghiệp thông qua các công ty con của doanh nghiệp hoặc công ty con của công ty con - công ty cháu (sở hữu cổ phần gián tiếp với nhau); một số nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) có sở hữu cổ phần đan xen với nhau và sở hữu cổ phần lẫn nhau; TCTD góp vốn, mua cổ phần của TCTD khác; cổ đông lớn (doanh nghiệp, cá nhân) và người liên quan có vốn góp, cổ phần tại nhiều TCTD.
Theo khoản 2 điều 16 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Doanh nghiệp, có định nghĩa về sở hữu chéo như sau: “Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau.” Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 không quy định cụ thể khái niệm về sở hữu chéo, đầu tư chéo. Tuy nhiên, Luật này đưa ra một số quy định hạn chế sở hữu chéo, đầu tưu chéo và quy định giới hạn sở hữu vốn điều lệ. Những quy định này có tác dụng trong việc hạn chế và xử lý những xung đột lợi ích thiểu số với lợi ích của các TCTD, hạn chế rủi ro, thao túng, chi phối ngân hàng. Ngoài ra, để kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo được đồng bộ, có hiệu quả thì phải có các quy định đồng bộ điều chỉnh vấn đề này ở khu vực ngân hàng như khu vực doanh nghiệp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 quy định các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD được kiểm soát đặc biệt, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nguồn vốn ảo trong hoạt động của các TCTD; đồng thời kế thừa, bổ sung thêm các quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, ngăn ngừa nợ xấu mới, TCTD mới phát sinh, cụ thể:
- Những trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên góp vốn; chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại phải được Ngân hàng nhà nước (NHNN) chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện[3]. NHNN căn cứ vào quy định này quản lý các cổ đông và người có liên quan đến cổ đông của các TCTD, phòng ngừa trường hợp mua bán chuyển nhượng cổ phần làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo. Ngoài ra, khoản 6, khoản 7 Điều 126 “Những trường hợp không được cấp tín dụng” - Luật các tổ chức tín dụng 2017 có quy định: “TCTD không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của TCTD khác bao gồm cả mua và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”[4]. Các quy định này nhằm minh bạch hóa nguồn vốn của các cổ đông, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, hạn chế sự gia tăng vốn ảo trong hệ thống ngân hàng.
- Quy định các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quản lý, điều hành của các TCTD (Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc). Những quy định này vừa ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời nâng cao nâng lực quản trị điều hành của TCTD.
- Quy định về trường hợp chào bán và chuyển nhượng cổ phần của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác nhằm thực hiện phương án xử lý pháp nhân dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp, cổ phần.
- Quy định thực hiện đặt hay không đặt các TCTD vào kiểm soát đặc biệt và cơ chế thực hiện việc kiểm soát đặc biệt thông qua: căn cứ xác định TCTD để đưa/không đưa vào diện kiểm soát đặt biệt; thẩm quyền – trách nhiệm xử lý, cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt; xây dựng phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt; chấm dứt việc kiểm soát đặc biệt tại các TCTD,…Những quy định này nhằm bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành xử lý được các vướng mắc, bất cập trong quá trình kiểm soát các TCTD trong thời gian qua.
Tuy nhiên, sở hữu chéo là vấn đề có tính lịch sử, do đó việc giải quyết ngay và triệt để vấn đề này gặp nhiều khó khăn bởi các lý do sau:
- Các quan hệ sở hữu chéo đã tồn tại từ trước khi Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực. Trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính chưa có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây thì việc yêu cầu thoái vốn, điều chỉnh các quan hệ sở hữu chéo, đầu tư chéo, cũng như điều chỉnh tỷ lệ sở hữu đảm bảo giới hạn theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng cũng cần có lộ trình thích hợp.
- Việc nhận diện được rõ chủ sở hữu “thực” là rất khó khăn do các quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, nhất là các quy định về giới hạn sở hữu và kiểm soát sở hữu chéo.
2. Vấn đề sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng từ bài học kinh nghiệm của các quốc gia Iceland, Nhật Bản và Đức
2.1. Sở hữu chéo - nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Iceland
Vào tháng 9/2008, ba ngân hàng lớn của Iceland là Glitnir, Kaupthing và Lansbanki với số vốn lên đến 95 tỷ USD (gấp 10 lần GDP của Iceland trong năm 2007) có nguy cơ phá sản, có khả năng gây vỡ nợ quốc gia. Đứng trước tình hình đó, Ngân hàng Trung ương Iceland (Central Bank of Iceland) đã phải thực hiện việc tiếp quản 3 tổ chức ngân hàng này, và tổ chức tái cơ cấu lại, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm đã phải tuyên bố từ chức. Nguyên nhân chính, do Ủy ban điều tra của Nghị viện Iceland công bố[5], đến từ việc ngân hàng Glitnir bị ép phải cho tập đoàn Baugur Group – nhà bán lẻ lớn ở Châu Âu đơn vị sở hữu số lượng lớn cổ phần của ngân hàng Glinir – vay số vốn lớn dưới mức chuẩn vốn, bất chấp tình hình tài chính bấp bênh của tập đoàn này để phát triển, mở rộng thị trường bán lẻ. Sau đó, do kinh doanh thua lỗ, tập đoàn Baugur Group đã tuyên bố phá sản. Từ đó, đã kéo theo khả năng gây vỡ nợ cho ngân hàng Glitnir và hệ thống ngân hàng quốc gia Iceland.
Nguyên nhân của sự sụp đổ này có tính lịch sử, bắt nguồn từ những năm 2000 trong thời kỳ suy thoái kinh tế, Chính phủ Iceland muốn tái cơ cấu lại ngành ngân hàng, phát triển các ngân hàng trong nước thành các ngân hàng lớn mang tính toàn cầu. Do đó, đã kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Lansbanki bị thâu tóm với số cổ phần chi phối từ 3 nhà đầu tư không có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Ngân hàng nông nghiệp Iceland bị một nhà đầu tư quốc nội thâu tóm sau đó bán lại cho Kaupthing. Còn ngân hàng Glitnir bị tỷ phú ngành bán lẻ ông chủ của tập đoàn Baugur Group nắm giữ cổ phần chi phối. Tỷ lệ cổ phần của các cổ đông trong 3 ngân hàng trên như sau[6]: Cổ đông lớn nhất chiếm từ 40% đến 45% của ngân hàng Lansbanki là 2 thành viên có mối quan hệ đặc biệt cha - con nhà Bjorgolfur. Cổ đông chính chiếm 25% cổ phần của Kaupthing là anh em Agust và Lydur Gudmundsson. Và cuối cùng là Glitnir với 32% cổ phần ông chủ của Baugur Group, Jon Asgeir Johannesson chính thức trở thành cổ đông lớn nhất vào đầu năm 2007. Đến cuối năm 2008, Baugur Group vỡ nợ kéo theo sự sụp đổ của các ngân hàng Iceland. Đặc điểm chung của các ngân hàng này là: Thứ nhất, có chung nguyên nhân lịch sử suy thoái kinh tế năm 1999 - 2000 cần phải được tái cơ cấu lại. Thứ hai, một lượng lớn cổ phần đã bị một nhà đầu tư hoặc nhóm nhỏ các nhà đầu tư có mối quan hệ đặc biệt, có liên quan nắm giữ. Từ đó, chi phối và kiểm soát hoạt động tín dụng của ngân hàng. Thứ ba, và quan trọng nhất, hệ thống quản trị với hai trụ cột chính là chuẩn cho vay và minh bạch hóa đã không được thực hiện đúng.
2.2. Sở hữu chéo và chiến lược phát triển công nghiệp của Nhật Bản và Đức
Vấn đề sở hữu chéo ở các Ngân hàng Nhật Bản: có tính truyền thống lâu đời, hình thành từ trước thế chiến 2. Khi đó, hầu hết các tập đoàn tài phiệt của các gia tộc đều có ngân hàng riêng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ những năm 1950, Chính phủ Hoa Kỳ thay mặt đồng minh quản lý Nhật Bản đã cho tổ chức lại các ngân hàng này tương tự như các ngân hàng ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những nhóm nhà tài phiệt trong cùng ngành công nghiệp vẫn sắp xếp thâu tóm một số ngân hàng làm giảm áp lực từ các cổ đông không thân thiện tạo cơ sở cho việc thúc đẩy các chiến lược kinh doanh dài hơi trong các ngành công nghiệp then chốt, và quan trọng nhất là chống lại sự thâu tóm từ các đối thủ cạnh tranh và nhà đầu tư nước ngoài. Giai đoạn này sở hữu chéo giúp cho nền kinh tế Nhật Bản tập trung toàn bộ vốn và nguồn lực phát triển thần tốc. Tuy nhiên, vào cuối những năm 70, dưới áp lực của các điều ước quốc tế và sự chững lại của tốc độ phát triển kinh tế, hình thành nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài, Nhật Bản bắt đầu nhìn lại vấn đề sở hữu chéo. Đến năm 1977, pháp luật Nhật Bản tại Đạo luật chống độc quyền có quy định NHTM và tổ chức tài chính phải hạ thấp tỷ lệ số cổ phần sở hữu chéo. Các nghiên cứu cho thấy, các tập đoàn kinh doanh có hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận cao, kêu gọi thu hút được vốn đầu tư nước ngoài thường có xu thế giảm bớt cổ phần sở hữu chéo trong các công ty; và kết quả là trái lại đối với các tập đoàn quy mô nhỏ hơn, tỷ suất lợi nhuận thấp, thu hút vốn đầu tư không cao thường có xu hướng chậm thoái vốn sở hữu chéo tại các ngân hàng của họ[7]. Để khắc phục tình hình này, năm 1981 Luật Thương mại cấm các công ty con sở hữu cổ phần của công ty mẹ, trừ một số trường hợp đặc biệt. Tiếp theo đó, năm 2000 lại ban hành các quy định về chuẩn mực kế toán mới theo sát hơn chuẩn mực kế toán quốc tế. Qua đó, chấm dứt việc định giá cổ phần sở hữu chéo theo giá vốn mà phải được định giá theo giá thị trường tại thời điểm báo cáo tài chính. Kết quả là cả ngân hàng và công ty đều lỗ khi định giá cổ phần theo giá thị trường. Quy định này tạo ra cú sốc cho thị trường tài chính và cả công ty. Để chấn chỉnh triệt để vấn đề sở hữu chéo, năm 2002 Nhật Bản lại quy định tổng giá trị của cổ phiếu đầu tư của ngân hàng không được vượt quá vốn tự có cấp 1. Song song đó, hình thành các quỹ hoán đổi ETF (Exchange traded fund) để chuyển các cổ phần sở hữu chéo và các khoản nợ xấu thành các chứng chỉ quỹ có tính minh bạch và có giá trị thanh khoản cao.
Vấn đề sở hữu chéo ở các ngân hàng ở nước Đức: đây được xem là đặc điểm riêng có của ngành ngân hàng quốc gia Đức. Tương tự như Nhật Bản, các ngân hàng Đức và các công ty công nghiệp cơ khí chính xác (ngành cần đầu tư nguồn vốn lớn và thời gian kéo dài cho các dự án như: hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất) có mối liên kết chặt chẽ trong cùng gia tộc, cùng ngành nghề. Biểu hiện rõ rệt nhất là sở hữu chéo cổ phần lẫn nhau. Mục tiêu hướng đến của việc sở hữu chéo là tập trung vốn và nguồn lực cho những kế hoạch phát triển lâu dài và những dự án lớn mang tính đột phá. Tuy nhiên, trong dòng xoáy khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Chính phủ Đức cũng đã có những biện pháp xử lý vấn đề sở hữu chéo để tránh nguy cơ vỡ nợ. Như quy định ngân hàng nếu sở hữu hơn 5% cổ phần ký gửi của khách hàng không được thay mặt khách hàng biểu quyết nếu không có sự đồng ý hoặc từ bỏ quyền biểu quyết của họ[8].
Tuy nhiên cho đến ngày nay, vấn đề sở hữu chéo vẫn được pháp luật nước Đức quy định một cách “cởi mở” hơn nhiều quốc gia khác kể cả Nhật Bản. Điều này là do truyền thống văn hóa kinh doanh của người Đức: đồng quyết định và đồng trách nhiệm (co-decision and co-responsibility, thuật ngữ mà người Đức thường sử dụng Mitbestimmung), “Mitbestimmung” là “giải pháp quản trị” được các ngân hàng Đức lựa chọn để giám sát các công ty mà ngân hàng có cổ phần sở hữu chéo; đại diện ngân hàng đưa người vào hội đồng giám sát của các công ty mà ngân hàng có cổ phần sở hữu chéo[9]. Hội đồng này có trách nhiệm giám sát hội đồng quản trị của công ty mà ngân hàng đó sở hữu cổ phần. Hội đồng giám sát này bao gồm đại diện công nhân, đại diện công ty và đại diện ngân hàng. Tỷ lệ đại diện ngân hàng trong hội đồng giám sát là 20% năm 1998 sau đó tăng lên 25% vào năm 2005[10]. Đơn cử như tập đoàn tài chính và bảo hiểm Allianz sở hữu 100% cổ phần của ngân hàng Dresdner và ba ngân hàng khác với tỷ lệ sở hữu dưới 5%. Allianz cử đại diện trong hội đồng giám sát của nhóm 10 công ty lớn hàng đầu Đức có sở hữu chéo với các ngân hàng mà Allianz có cổ phần sở hữu như BMW, BASF, Siemens, Volkswagen, Deutsche Telekom, E On, Daimler Chrysle…với tỷ lệ: trực tiếp 35%, gián tiếp thông qua ngân hàng Dresdner là 12.85%, ngân hàng Commerzbank là 0,08%, ngân hàng Munchener Bayerische Ruch là 14.2%[11].
Vấn đề sở hữu chéo hay đầu tư chéo của ngân hàng Nhật Bản và Đức có những điểm chung như sau: thứ nhất, có nguồn gốc lịch sử và do văn hóa kinh doanh hình thành nên; thứ hai, xuất phát từ mục đích huy động tối đa nguồn vốn phục vụ cho ngành công nghiệp nặng và cơ khí chính xác; thứ ba, phục vụ cho chiến lược lâu dài phát triển công nghiệp tránh các trường hợp thay đổi quyết định do thay đổi chủ đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, theo xu thế thu hút đầu tư quốc tế và tránh các nguy cơ vỡ nợ hai quốc gia này cũng đã có những biện pháp giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Mặc dù vậy, Nhật Bản thực chất cơ bản tiệm cận được xu thế chung là giảm tỷ lệ sở hữu chéo nhiều hơn là nước Đức.
3. Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và giải pháp “mềm” Hiệp ước Basell II
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng 2017 và các văn bản hướng dẫn là một công cụ quan trọng, hữu hiệu để nhà nước quản lý và hạn chế vấn đề sở hữu chéo và đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh quy định của pháp luật thì hệ thống ngân hàng cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro và quản lý nội bộ. Hiệp ước Basel II ra đời năm 2004 với các chuẩn mực tiên tiến đã đáp ứng được yêu cầu tự thân của ngành ngân hàng. Từ năm 2016, NHNN Việt Nam đã thí điểm áp dụng Basel II cho 10 ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank.
Basel II với nguyên tắc chính dựa vào 3 trụ cột: Yêu cầu vốn tối thiểu, rà soát giám sát, nguyên tắc thị trường, ba trụ cột cơ bản được vận hành thông qua phương pháp quản lý rủi ro. Nếu các NHTM thực hiện tốt ba trụ cột này, thì những biểu hiện chính không tốt của sở hữu chéo: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quá cao, cơ chế rà soát giám sát yếu do bị các cổ đông và người có liên quan cổ đông chi phối, công bố thông tin ra thị trường thiếu minh bạch cơ bản sẽ được khắc phục.
(i) Trụ cột 1: Basel II quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) phải duy trì là 8% nhằm bù đắp cho những rủi ro mà ngân hàng đang nắm giữ[12]. Tại thời điểm cuối năm 2017 ở Việt Nam, có một số trường hợp cá biệt có giá trị CAR quá cao như: NCB và EIB có hệ số CAR gần 20%; Dong A Bank, Oceanbank và Saigonbank… có hệ số CAR trên 20%. Trong khi đó, các NHTM lớn như BIDV, CTG có hệ số CAR chỉ quanh mức yêu cầu 9%[13]. Trong thời gian tới, NHNN sẽ ban hành quy định tỷ lệ an toàn vốn CAR theo phương pháp xếp hạng nội bộ (Internal rating base) dựa vào mức độ rủi ro của từng ngân hàng cụ thể. Như vậy, các ngân hàng có tỷ lệ an toàn thấp phải tăng tỷ lệ vốn thiểu, đồng nghĩa với việc phải tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Điều này có thể làm sút giảm vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, các ngân hàng cần tính toán và hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro nhằm nỗ lực cải thiện tỷ lệ an toàn nội bộ.
(ii) Trụ cột 2: Đòi hỏi hoạt động kiểm soát nội bộ phải được đặt ra thường xuyên và liên tục, hoạt động đi vào hiệu quả thực chất tìm ra và giải quyết triệt để các rủi ro tiềm ẩn.
(iii) Trụ cột 3: Yêu cầu các ngân hàng cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Hiệp ước Basel II đưa ra một sanh sách các yêu cầu buộc các ngân hàng phải công khai thông tin, từ những thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này, cung cấp thông tin minh bạch ra thị trường.
Như vậy, với việc quy định 03 trụ cột như trên của Hiệp ước Basel II, nếu xét riêng khía cạnh hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo, thì đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động của các TCTD có thể thấy, tỷ lệ vốn an toàn thấp không đủ bù đắp rủi ro, còn thiếu hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để cảnh báo sớm và giải quyết các rủi ro tiềm ẩn trước khi phát sinh. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại việc áp dụng chuẩn mực của Hiệp ước Basel II được xem là giải pháp “mềm” hỗ trợ xử lý các “biến tướng” tiêu cực của sở hữu chéo bên cạnh các quy định “cứng” của văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
4. Một số giải pháp nhằm quản lý hoạt động tài chính sở hữu chéo và đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam
Thứ nhất, về cơ chế chính sách
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, giải pháp để nâng cao năng lực quản trị rủi ro, phòng ngừa và cảnh báo sớm để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; chú trọng triển khai, thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng[14]. Trong đó, nên chính thức nhìn nhận và đưa ra khái niệm sở hữu chéo vào trong Luật, tạo mức độ ổn định, tính khả thi, giá trị pháp lý cao hơn.
- Tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn, phương pháp tiêu chuẩn, chuẩn mực về vốn của Hiệp ước Basel II, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, đặc biệt tăng cường trụ cột minh bạch hóa hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động của các TCTD tại Việt Nam.
Thứ hai, giải pháp về thanh tra, kiểm tra, giám sát
- Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các TCTD[15] trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về góp vốn, chuyển nhượng vốn, đầu tư tài chính, cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu;
- Nâng cao hiệu quả giám sát cổ đông và người có liên quan của cổ đông trong việc sở hữu, chuyển nhượng cổ phần và việc vay vốn. Theo đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thông tin về giao dịch cổ phiếu cũng như thông tin tín dụng của cổ đông và người có liên quan.
- Xử lý nghiêm các TCTD vi phạm quy định về cấp phát tín dụng, góp vốn, sở hữu, chuyển nhượng vốn, đầu tư tài chính, cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản.
Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát để đánh giá việc các TCTD chấp hành tốt các quy định của pháp luật, đánh giá thực trạng nguồn vốn, cơ cấu sở hữu, mức độ ảnh hưởng đến vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của các TCTD, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo sớm, xử lý những rủi ro và vi phạm pháp luật về góp vốn, chuyển nhượng cổ phần.
Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả việc tái cơ cấu các TCTD
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các văn bản, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, nhất là đề án: “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”[16]. Theo đó, những nội dung chủ yếu cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới như sau:
- Các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD. Thông qua nghiệp vụ tài chính, tín dụng tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; sau cổ phần hóa vẫn giữ cổ phần chi phối của nhà nước; đẩy mạnh xây dựng mạng lưới phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và nông dân, nông thôn.
- Các NHTMCP tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng lực cạnh tranh. Tích cực mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, phát triển các dịch vụ thanh toán, mở rộng dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.
- Các TCTD nước ngoài được NHNN tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống, đúng quy định pháp luật, đúng với thông lệ quốc tế về hoạt động ngân hàng.
Hiện tượng sở hữu chéo và đầu tư chéo trong hệ thống TCTD ở Việt Nam, trong một thời gian đã là vấn đề phức tạp có khả năng đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ quốc gia thì nay đã từng bước được xử lý theo hướng cơ bản. Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, bằng nhiều giải pháp như: quy định nghiệp vụ tài chính chặt chẽ thông qua pháp luật; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc áp dụng pháp luật; áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản lý và kiểm soát nội bộ TCTD. Nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế sở hữu chéo và những tác động tiêu cực của sở hữu chéo ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống TCTD Việt Nam./.
NCS. Nguyễn Quốc Trí
PCVP – Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Bình Dương
[2] Tỷ lệ sở hữu cổ phần được quy định chi tiết tại Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2017.
[3] Quy định tại diểm đ khoản 1 Điều 29 “Những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận:, Luật các Tổ chức tín dụng 2017.
[4] Báo cáo số 184/BC-CP, ngày 09/5/2017 của Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.
[6] Fridrik Mar Baldursson, Richard Portes: “Gambling for resurrection in Iceland: the rise and fall of the banks”, section 4.2
[7] Randall Morck, Masao Nakamura and Anil Shivdasani: “Banks, Ownership Structure, and Firm Value in Japan”, The Journal of Business, Vol. 73, No. 4 (October 2000), pp. 539-567, The University of Chicago Press.
[8] Điều 135 phần 3 Luật Chứng khoán Đức (The Article 135, par. 3 of Act on stock corporation).
[9] Theo tác giả đây chính là một biểu hiện của trụ cột thứ 2 Hiệp định Basel II về giám sát kiểm soát nội bộ.
[10] Alberto Onetti, Alessia Pisoni “ Owership and Contral in Gamany”, Volume 6, Issue 4, Summer 2009.
[11] Alberto Onetti, Alessia Pisoni, Figure 2. Network of cross shareholdings and mandates among the top 10 German firms (2005), Volume 6, Issue 4, Summer 2009.
[12] Hiện nay, NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn là 9% tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN, ngày 20/5/2010, cao hơn 1% so với tiêu chuẩn Basel II là 8%. Tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh giảm thành 8% vào năm 2020 tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
[13] Th.S Hoàng Thị Thu Hường – Học viện tài chính “Hệ số an toàn vốn của các NHTM Việt Nam”, tạp chí Người đồng hành, 10/2017.
[14] Theo Báo cáo số 420/BC-CP, ngày 02/10/2018 của Chính phủ, theo đó để triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng 2010, NHNN đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền (15) văn bản hướng dẫn.
[15] Báo cáo số 53/BC-NHNN, ngày 22/5/2018 của NHNN, trong năm 2017 và quý I năm 2018 đã thực hiện 1.401 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các TCTD và đưa ra 10.967 kiến nghị yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm.
[16] Quyết định số 1058/QĐ-TTg, ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án: “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.