TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM – KỸ NĂNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU
Năm 2015 là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời khi tôi vinh dự cử tri tín nhiệm bầu trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Dương khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2020. Là một đại biểu trẻ, hoạt động không chuyên trách, lần đầu trúng cử, nên trong quá trình hoạt động, tôi xác định bản thân cần phải luôn chủ động tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức, học hỏi từ những người đi trước…đề dần nâng cao chất lượng hoạt động. Kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND thể hiện ở nhiều khía cạnh, tuy nhiên, qua quá trình hoạt động gần một nhiệm kỳ, tôi nhận thấy, kỹ năng khi tiếp xúc cử tri, khi tham gia chất vấn và khi tham gia đoàn giám sát là rất quan trọng, nhất là đối với các đại biểu hoạt động không chuyên trách.

Đại biểu HĐND tỉnh khóa IX Nguyễn Thanh Mai
Kỹ năng tiếp xúc cử tri
Hoạt động tiếp xúc cử tri chính là cơ chế để người đại biểu HĐND thực hiện tốt việc báo cáo, thông tin cho cử tri biết về kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Đồng thời, thông qua việc tiếp xúc cử tri, đại biểu thực hiện đúng vai trò làm cầu nối, thu thập những ý kiến, phản ánh, nguyện vọng của cử tri và sử dụng vai trò đại diện để chuyển tải, nói lên tiếng nói của cử tri tại HĐND tỉnh.
Qua những lần tiếp xúc cử tri và nhất là qua theo dõi, học tập của những đại biểu HĐND có nhiều kinh nghiệm, tôi nhận thấy, có những bài học, kỹ năng rất hay mà mình cần học tập. Trước tiên là việc chuẩn bị tốt cho buổi tiếp xúc cử tri. Đại biểu cần đến sớm trước giờ chính thức bắt đầu buổi tiếp xúc, qua đó, có thể trò chuyện với cử tri tạo không khí thân mật, gần gũi. Thậm chí, ngay trong lúc trò chuyện này, nhiều đại biểu có kinh nghiệm còn chủ động gợi mở những nội dung đã được cử tri trình bày vào lần tiếp xúc trước, qua đó, có bước nắm bắt tâm tư của cử tri một cách nhẹ nhàng nhất. Đại biểu cũng cần nghiên cứu kỹ các tài liệu do văn phòng HĐND tỉnh cung cấp, kết hợp với ghi chép của các lần tiếp xúc cử tri trước, các báo cáo, tài liệu được cung cấp qua các kỳ họp, các phiên chất vấn, các buổi thảo luận tổ. Do lượng tài liệu này rất nhiều, đề cập nhiều vấn đề, do đó, từng đại biểu cần lựa chọn các nội dung mà cử tri địa phương mình quan tâm, từ đó, từng bước tổng hợp và hệ thống. Khi cần thiết, trước buổi tiếp xúc, đại biểu có thể chủ động liên hệ, trao đổi với lãnh đạo địa phương, các ngành về những nội dung có thể là điểm nóng, gây bức xúc cho người dân để có sự chuẩn bị chu đáo.
Trong quá trình tiếp xúc, người đại biểu phải luôn giữ tâm thế bình tĩnh và khiêm tốn. Khi cử tri phát biểu, đại biểu cần có thái độ lắng nghe, ghi chép cẩn thận. Trước những bức xúc của cử tri, đôi khi ánh nhìn chia sẻ, sự nghiêm túc lắng nghe của đại biểu cũng góp phần giúp cử tri bình tĩnh và bớt đi căng thẳng.
Khi trả lời cử tri, đại biểu cần tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương, của các ngành, đặc biệt, cần ghi chép và nắm rõ những phản hồi của chính quyền địa phương trước những nội dung cử tri phản ánh, tránh việc vội vàng trả lời, bày tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ hoặc phản đối ngay lập tức đối với phản ánh của cử tri. Đối với những nội dung chưa nắm chắc, người đại biểu cần ghi chép, tiếp thu và hứa sẽ phản hồi trong đợt tiếp xúc cử tri sau. Đại biểu cần có sự trao đổi, bàn bạc trong tổ đại biểu để lựa chọn các nội dung đưa vào kiến nghị, tránh trùng lắp và đảm bảo đúng theo phân cấp quản lý. Đồng thời, để giữ đúng lời hứa trước cử tri, đại biểu cần đôn đốc, theo dõi UBND các cấp và các sở, ban, ngành có trả lời cụ thể đối với vụ việc được cử tri kiến nghị.
Qua những lần tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy sự nghiêm túc, chân thành và trách nhiệm chính là chìa khóa quan trọng để các buổi tiếp xúc hiệu quả, qua đó, những bức xúc, khó khăn của người dân được nắm bắt, chia sẻ, người đại biểu cũng hiểu hơn vấn đề tại địa phương để phản ánh kịp thời với HĐND các cấp.
Kỹ năng chất vấn
Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những hoạt động giám sát trực tiếp nhất trong mỗi kỳ họp HĐND, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu đối với cử tri; đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước trước HĐND và cử tri. Chất vấn tại các kỳ họp HĐND không phải để biết, nắm thêm thông tin mà thực chất là làm rõ những bức xúc, những điều cử tri quan tâm, phân định được nguyên nhân, trách nhiệm và cùng tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Vì vậy, người đại biểu cần mạnh dạn lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc, thiết thực qua tiếp xúc cử tri, qua giám sát, qua dư luận xã hội mà có liên quan trực tiếp đến đời sống, xã hội được đông đảo cử tri và nhân dân địa phương quan tâm.
Cũng chính vì vậy, đại biểu cần hết sức cân nhắc lựa chọn nội dung chất vấn. Trước khi chất vấn vấn đề gì, người đại biểu phải tìm hiểu thật kỹ, thu thập các thông tin xác thực. Để chọn nội dung chất vấn, đại biểu cần trao đổi với các thành viên trong Tổ đại biểu, trong Ban của HĐND để lựa chọn nội dung chất vấn phù hợp. Khi soạn thảo câu hỏi, đại biểu cần lựa chọn cách đặt câu hỏi đúng trọng tâm, khúc chiết và dứt khoát. Những bằng chứng, những thông tin, những dữ liệu trong câu hỏi chất vấn phải mang tính xác thực, có địa chỉ rõ ràng, đúng với đối tượng bị chất vấn, nhất là tránh đưa nhận định chủ quan vào nội dung câu hỏi.
Trong quá trình chất vấn cũng cần lựa chọn ngôn ngữ đối thoại, không cần thiết tạo áp lực hay có thái độ gay gắt, căng thẳng, quá lời, mà nên có cách nói nhẹ nhàng, phù hợp, trên tinh thần xây dựng. Khi người có trách nhiệm trả lời chất vấn, người đại biểu cần nghiêm túc lắng nghe, nghiên cứu câu trả lời, so sánh, đối chiếu các số liệu, giải pháp, hoạt động được nêu với thực tiễn tại địa phương và những phản ánh của cử tri, từ đó, sẽ có trao đổi, tái chất vấn khi cần thiết.
Qua những kỳ họp HĐND và qua theo dõi hoạt động chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh, tôi nhận thấy các đại biểu và lãnh đạo UBND, cũng như các sở, ban, ngành đều rất nghiêm túc, trách nhiệm trong việc hỏi và trả lời chất vấn. Nhờ vậy, chất lượng công tác chất vấn ngày càng cao, các câu hỏi đi vào thực tiễn, câu trả lời cũng ngày càng cụ thể, thẳng thắn, qua đó, nhiều nội dung sau quá trình giám sát đã thực sự có chuyển biến theo hướng tích cực hơn
Kỹ năng tham gia các đoàn giám sát
Qua gần một nhiệm kỳ làm đại biểu HĐND tỉnh, được tham gia vào các đoàn giám sát của HĐND, thường trực HĐND tỉnh và của ban pháp chế HĐND tỉnh, tôi nhận thấy, đây là một hoạt động rất quan trọng để giúp đại biểu thực hiện tốt công tác giám sát. Để tham gia đoàn giám sát có chất lượng, các đại biểu HĐND tỉnh cần chủ động nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Để có định hướng nghiên cứu các quy định, đại biểu cần đọc kỹ nghị quyết của HĐND về đoàn giám sát và kế hoạch của các đoàn giám sát. Đối với các đoàn giám sát lớn của HĐND và thường trực HĐND, thông thường, nội dung giám sát rộng và bao quát, do đó, các thành viên trong đoàn giám sát sẽ được phân chia từng mảng nội dung để nghiên cứu sâu, đại biểu cần bám theo nội dung được phân công để đọc kỹ các quy định, đồng thời, nghiên cứu các báo cáo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND về những nội dung đó, kết hợp thông tin từ cử tri, dư luận và trên các phương tiện thông tin đại chúng... liên quan đến lĩnh vực giám sát
Khi giám sát thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, các đại biểu cần chủ động thu thập tài liệu liên quan đến nội dung giám sát để nghiên cứu như các báo cáo, ghi lại các hình ảnh, tư liệu, khi cần thiết có thể trao đổi với cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đó, trao đổi với người dân..v..v…để nắm thêm thông tin thực tế. Đồng thời, đại biểu cần mạnh dạn đặt câu hỏi, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung mình quan tâm. Câu hỏi cần ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào những vướng mắc, hướng khắc phục...Trong quá trình giám sát, khi phát hiện những điều bất hợp lý thì đại biểu HĐND tỉnh không nên chỉ trích cơ quan chấp hành mà cần tìm được biện pháp hữu ích để điều chỉnh hoặc giải quyết vấn đề, đặc biệt là tìm hiểu nguyên nhân, nguyên cớ mà xuất hiện những điểm bất hợp lý đó.
Đại biểu cần có sự đối chiếu giữa quy định, chính sách, với thực tiễn triển khai thực hiện; giữa nguồn lực về tài chính, nhân lực với kết quả đạt được của từng chủ trương, chính sách, dự án, để từng bước phát hiện ra bất cập, vướng mắc, khó khăn (nếu có). Đặc biệt, qua nhiều lần tham gia các đoàn giám sát của HĐND tỉnh, tôi đánh giá cao việc các đoàn giám sát sau khi tổ chức giám sát thực tế thường tổ chức các buổi để UBND, các sở, ban, ngành có liên quan giải trình đối với những vấn đề trọng tâm của đoàn giám sát đặt ra. Trong những buổi giải trình này, đại biểu cần đặt những câu hỏi từ thực tế giám sát tại cơ sở để cơ quan chức năng giải thích, phân tích rõ cách thức triển khai các quy định, phân tích rõ nguyên nhân, thuận lợi, khó khăn của từng vấn đề chi tiết trong nội dung giám sát.
Đối với các đại biểu không chuyên trách, nhiều vấn đề sẽ không đủ điều kiện về thời gian để nghiên cứu kỹ, do đó, khi xem xét dự thảo báo cáo giám sát, đối với những nội dung chưa rõ, cần mạnh dạn trao đổi với các đại biểu chuyên trách. Đó cũng là trách nhiệm khi tham gia giám sát, qua đó, cũng giúp đại biểu nâng cao kiến thức, chủ động cập nhật thông tin để cung cấp cho cử tri. Sau khi đoàn giám sát có báo cáo giám sát, đại biểu cũng cần tiếp tục theo dõi việc tiếp thu, giải trình, và thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh.
Có thể thấy, đại biểu dân cử nói chung và đại biểu HĐND tỉnh nói riêng cần có nhiều kỹ năng. Những kỹ năng này cần được rèn luyện, mài giũa qua thời gian, thực hiện vai trò, trách nhiệm của đại biểu. Trong thời gian ngắn trở thành đại biểu HĐND tỉnh, tôi cảm thấy rất may mắn khi được tham gia nhiều buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, được tham dự các phiên họp chất vấn, giải trình, tham gia nhiều đoàn giám sát trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, bản thân tôi đã học hỏi được rất nhiều từ những đại biểu có nhiều kinh nghiệm hơn, nhiều kỹ năng đã được hình thành và ngày càng tiến bộ.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được trình bày những suy nghĩ cá nhân về các kỹ năng của một đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách, trong đó, hầu hết các điểm trong bài viết là những bài học tôi có được từ quan sát, học hỏi từ các đại biểu có nhiều năm kinh nghiệm. Tôi rất mong sẽ nhận được sự góp ý của các đồng chí lãnh đạo và đại biểu để bài viết ngày càng hoàn thiện và giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Mai (Nguồn: hdnd.vn)