TS. CẤN VĂN LỰC, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có gần 907.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã và 5,6 triệu hộ kinh doanh. Theo đó, đội ngũ doanh nhân cả nước tham gia lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh có gần 7 triệu người. Độ tuổi trung bình của doanh nhân từ 35 - 50 tuổi, số doanh nhân trẻ dưới 30 tuổi đang phát triển nhanh.
Trong số 7 triệu doanh nhân, có 7 doanh nhân lọt vào top “tỷ phú USD toàn cầu” năm 2022, 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia, trong đó nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và quốc tế.
Doanh nhân Việt Nam hiện nay kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của dân tộc. Đội ngũ doanh nhân góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ dám làm, đương đầu với khó khăn, chấp nhận rủi ro, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng một số doanh nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật để làm giàu bất chính.
Đất nước đang phát triển, hội nhập sâu rộng, đạo đức doanh nhân là vấn đề cần được quan tâm. Xây dựng đội ngũ doanh nhân có đủ đức và tài sẽ là nguồn lực quan trọng bảo đảm phát triển bền vững.
Muốn vậy, trước tiên, cần ưu tiên hoàn thiện thể chế, pháp luật, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho, loại bỏ các rào cản phiền hà. Tiếp đến, cần hoàn thiện chuẩn mực đạo đức kinh doanh, đạo đức doanh nhân theo các chuẩn mực, thông lệ trong nước lẫn quốc tế và phải gắn với văn hóa doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp đạt chuẩn mực và phải bảo đảm tránh tình trạng “mua bán” danh hiệu. Đồng thời, tăng cường giám sát xã hội đối với các hành vi sai trái của doanh nhân, doanh nghiệp, khi đó sẽ tạo ra sức ép để họ thực hiện các chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh.
Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam NGUYỄN QUANG VINH: Lợi nhuận phải song hành với gìn giữ môi trường
5 năm gần đây, yêu cầu phát triển bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều bất ổn, khó lường, các thách thức chưa từng có tiền lệ đã và đang diễn ra, phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất, cũng là định hướng chung được cộng đồng quốc tế và Việt Nam thống nhất, cam kết theo đuổi thông qua Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. “Con tàu” phát triển cần không chỉ “đường ray” vững chắc là hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, thông thoáng, mà còn cần “động cơ” bền bỉ là nguồn lực và sức mạnh từ doanh nghiệp để có thể cập “ga” bền vững. Và chính doanh nghiệp cũng cần phát triển kinh doanh theo hướng bền vững để tồn tại, tăng trưởng trong dài hạn.
Theo đó, kinh doanh liêm chính từ việc tuân thủ pháp luật, minh bạch thông tin trong nội bộ và đối tác, nói không với tham nhũng là chìa khóa quan trọng hàng đầu. Nói cách khác, liêm chính như giấy thông hành để doanh nghiệp đến với khách hàng, đối tác và nhà đầu tư.
Đã qua rồi thời “ăn xổi ở thì”. Do vậy, doanh nghiệp không thể làm kinh tế bằng mọi giá, mà phải bảo đảm lợi ích kinh tế song hành bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đây là con đường duy nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững. Có thể bước đi đó là chậm so với đối thủ, nhưng sẽ là bước đi vững chắc và tiến xa.
Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI ĐẬU ANH TUẤN: Phải giữ được tinh thần kinh doanh
Tôi mới có chuyến công tác sang Mỹ. Điều đáng chú ý, khi nói đến châu Á, Việt Nam là cái tên được nhắc đến đầu tiên bên cạnh Ấn Độ, Indonesia.
Ngay trong khu vực ASEAN, khi nói đến Việt Nam cũng đã thể hiện sự ngưỡng mộ về tốc độ cũng như tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Tôi đã rất bất ngờ khi 2 người Singapore nói rằng hiện có nhiều người Singapore sang Việt Nam khởi nghiệp, bởi Việt Nam có nhiều nhân lực tốt.
Những điều đó thể hiện vị thế, thế mạnh của Việt Nam. Và trong đó, có đóng góp rất lớn của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Ngày Doanh nhân Việt Nam, điều khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn là về khu vực tư nhân. Nếu như trước đây, người trẻ ra trường chỉ muốn vào cơ quan nhà nước thì nay thậm chí có dòng chảy ngược lại, người từ khu vực nhà nước ra ngoài làm. Đó không hẳn là chảy máu chất xám. Quan trọng là chúng ta phải động viên và giữ được tinh thần kinh doanh!
Thực tế, đâu đó vẫn còn tâm lý bất an trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp về sự thiếu ổn định của chính sách, trong khi đối với họ điều này giữ vị trí số 1. Chúng ta phải tạo cho doanh nghiệp tư nhân an tâm, thực sự giữ được của cải ở đất nước này thay vì phải dịch chuyển đi nơi khác. Phải để Việt Nam không chỉ làm ăn mà còn là nơi sinh sống nhiều đời.
Cho nên, ưu tiên cho doanh nghiệp hiện nay là giữ ổn định nhất quán của môi trường kinh doanh Việt Nam. Mỗi bộ, ngành đưa ra chính sách cụ thể phải theo trục này. Nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc, đàng hoàng sẽ được bảo vệ. Khi có được thông điệp rõ ràng và bảo đảm thực hiện, họ sẽ không dao động!
Cùng với đó, phải giữ được tinh thần khởi nghiệp, tức chính sách cho khởi nghiệp cần thân thiện hơn, sát chuẩn quốc tế và an toàn hơn. Đồng thời, phải giảm tính phi chính thức ở khu vực tư nhân. Hiện, hộ gia đình chiếm 30% GDP, trong khi khu vực doanh nghiệp có đăng ký đóng góp khoảng 10% GDP. Khu vực phi chính thức lớn không chỉ thất thu thuế mà còn mất cơ hội phát triển.