Bài học lớn của công cuộc đổi mới gần 40 năm qua khẳng định, sau khi có đường lối đúng đắn, động lực căn bản quyết định thành công của mọi sự phát triển chính là con người và thể chế. Nói cách khác, để phát triển, trước hết và trung tâm chính là kiến tạo thể chế tương dung và phù hợp. Để góp phần làm rõ hơn vấn đề này, Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản với chủ đề: “Thể chế và phát triển”.
Sau gần 40 năm, bên cạnh những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử đạt được, chúng ta đang tiếp tục phải giải quyết nhiều trọng trách mới trên nhiều phương diện và khắc phục tất cả những vật cản cũ và phản động lực mới, thực thi công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong điều kiện khác trước.
Trong rất nhiều trọng sự đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước; đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế phát triển”.
Thể chế phải mở đường, là động lực của tăng trưởng và phát triển
Ngày 6.9.2024, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Làm gì và làm như thế nào thế nào để đạt được mục tiêu đề ra và tạo đà để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 đang là thách thức to lớn?
Khi tình hình đã thay đổi, yêu cầu cấp bách đặt ra là không thể duy trì thể chế không còn phù hợp. Nói cách khác, không thể không bắt đầu trước hết từ những đột phá từ bên trong tương dung với hóa giải áp lực từ bên ngoài, một cách chín muồi và đủ “độ”, bằng thể chế một cách tương hợp với nhiệm vụ mới. Đây cũng chính là yêu cầu của sự đột phá từ thể chế. Muốn thành tre, măng phải đội đất mà lên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp về dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Ảnh: Trí Dũng
Do đó, trước hết phải đổi mới thể chế và tăng trưởng, phát triển. Nếu đổi mới ở Việt Nam là bản chất của cách mạng, là cuộc cách mạng trong cách mạng XHCN, vì sự phát triển đất nước vươn tới hùng cường thì cần lựa chọn và nắm lấy khâu đột phá nhằm phát triển chính là thể chế. Không đột phá đổi mới thể chế nhằm giải phóng mọi tiềm năng và thực lực phát triển, tạo thời cơ phát triển mới thì rất khó có sự bứt tốc thành công như mong muốn. Đây chính là phương lược giải quyết các mối quan hệ lớn của sự đổi mới và phát triển đất nước.
Nếu thể chế là khung khổ bảo đảm trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn cho phép của các quan hệ giữa các nhân tố (cá nhân, tổ chức, giai tầng, quốc gia…) tham gia các quá trình tương tác; đồng thời, là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, ràng buộc và chuẩn mực, giá trị chung được pháp định hóa, theo đó, mọi cá nhân, tổ chức chia sẻ và hành động… thì đổi mới thể chế chính là đổi mới những nguyên tắc (không phân biệt hình thức của nó) được hiện thực hóa bằng cơ chế, pháp luật, hệ chính sách động lực và đòn bẩy về phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống quy chuẩn về phương thức hành xử, tương tác trong xã hội, được xã hội thừa nhận và quy định thành khế ước. Đột phá cải cách xứng tầm và bức thiết là thể chế, thể chế và thể chế.
Thể chế trên nền tảng hai nhân tố pháp trị và đức trị được xây dựng từ luật pháp thống nhất với truyền thống xã hội, dư luận xã hội, pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế nhằm định hướng và bảo đảm mọi sự phát triển kinh tế - xã hội một cách thống nhất và cân bằng. Phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm là nhân tố hợp thành cơ chế vận hành và phương thức lãnh đạo và quản trị phát triển hiện nay, là rường cột của đổi mới thể chế.
Bộ Chính trị họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Ảnh: Trí Dũng
Do đó, đổi mới và dũng cảm đột phá thể chế - đột phá của đột phá phát triển toàn diện kinh tế - xã hội phải là mục tiêu của đổi mới thể chế.
Tăng trưởng kinh tế, về thực chất, là sự thể hiện khách quan giữa bản chất, thực chất, tính chất của mối liên hệ giữa giá trị gia tăng (cân đối bên trong) với giá cả suy giảm (cân bằng bên ngoài) và tăng năng suất lao động (hài hòa ở giữa). Tăng trưởng kinh tế về chất lượng là phải gắn với tăng năng suất lao động xã hội, chứ quyết không phải kiểu “đổi kiểu hy sinh môi trường sinh thái để lấy tăng trưởng”.
Và, đến lượt phát triển kinh tế, nó bao hàm: bản chất (trao đổi hàng hóa: phát triển thị trường) - thực chất (sản xuất trao đổi hàng hóa: phát triển kinh tế thị trường) - tính chất (sản xuất hàng hóa: phát triển kinh tế). Đây là mối liên hệ cân đối, cân bằng, hài hòa giữa phát triển, kinh tế và thị trường trong nền kinh tế thị trường một cách khách quan giữa bản chất, thực chất, tính chất của phát triển kinh tế thị trường trong quốc gia.
Đồng nhất và nhầm lẫn giữa tăng trưởng với phát triển thì nguy cơ sẽ chuốc lấy thất bại ngay từ tư duy, càng không thể nói về đổi mới thể chế tương dung. Thể chế phải mở đường, là động lực và môi trường của tăng trưởng và phát triển, chứ không phải ngược lại.
Đột phá đổi mới thể chế mở đường cho phát triển
Thứ hai là đột phá đổi mới thể chế mở đường cho phát triển. Khi mục tiêu đổi mới thể chế vì sự phát triển thì tổng thể và trung tâm đổi mới ở đây là nhận diện và lựa chọn thể chế động lực, phòng ngừa và khắc chế hệ quả thể chế mang tính phản động lực. Không nhận diện đúng và đổi mới thể chế chính trị, kinh tế xã hội… và những vấn đề xung quanh thể chế không thể nói tới vấn đề đổi mới đúng, trúng và hiệu quả đối với các phương diện của đời sống chính trị - xã hội và đối ngoại của đất nước. Do đó, một cách tự nhiên, không kiến tạo và đổi mới các hệ thể chế một cách thống nhất và hiệu quả, chúng ta không thể đổi mới thể chế chính trị như mong muốn, càng không thể đổi mới thể chế kinh tế… trên tầm quốc gia một cách toàn diện, đồng bộ, thống nhất và tương hợp với xu thế, thậm chí là siêu xu thế phát triển của thời đại hiện nay. Thời cơ và yêu cầu phát triển của thời kỳ mới tăng tốc và phát triển đòi hỏi chúng ta đổi mới theo hướng đó.
Kinh nghiệm xử lý các mối quan hệ tổng thể phát triển quốc gia tùy thuộc vào việc lựa chọn thứ tự ưu tiên các vấn đề phù hợp với điều kiện cụ thể; đồng thời, chủ động giải quyết tổng thể, thống nhất các vấn đề khác, đã để lại một bài học lớn về phương pháp luận và nghệ thuật chọn khâu ưu tiên và tổ chức thực tiễn, trên phương diện kiến tạo thể chế vì mục tiêu phát triển hiện nay và tương lai.
Vì vậy, trên tầm tổng thể, cần tiếp tục đổi mới chính trị đồng bộ với kinh tế và xã hội là công việc quan trọng trong tổng hòa sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ, trên cơ sở tiếp tục đột phá và tạo sự bứt phá về kinh tế làm nền tảng cho công cuộc đổi mới một cách mạnh dạn và kiên quyết, với động lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, số hóa và trí tuệ nhân tạo song hành kiến tạo thể chế chính trị phù hợp xứng đáng dẫn dắt công cuộc đổi mới một cách đúng đắn và sáng tạo… Đồng thời, cải cách thể chế xã hội, thể chế an ninh - quốc phòng và đối ngoại tương dung với nhịp độ và tốc độ đổi mới trong tư cách là môi trường và động lực bảo đảm quốc gia ổn định và phát triển bền vững.
Nguồn: ITN
Nói cách khác, đột phá vào toàn bộ các “mắt xích” quan trọng nhất trong toàn bộ dây chuyền sự nghiệp đổi mới nhằm tạo nên "cú huých” công phá vào những “lô cốt” pháp lý đang trói buộc hữu hình (hệ chính sách lạc hậu, mô hình phát triển chưa tương hợp, hệ thống pháp luật cần sửa đổi…) và cả vô hình (tâm lý, tầm nhìn, đạo đức…), đáp ứng sự phát triển một cách tất yếu đối với từng phương diện. Mặt khác, tạo khung khổ và động lực phát triển một cách chủ động, toàn diện, đồng bộ trên cơ sở giải phóng toàn bộ sức mạnh tiềm ẩn và hiện hữu của nội lực quốc gia, đồng thời thâu thái sức mạnh quốc tế, trên cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ và pháp lý quốc tế, trên tất cả các phương diện đổi mới một cách tổng thể và hài hòa, trong tầm nhìn tới năm 2030 và 2045.
Thực tiễn công cuộc đổi mới tất yếu đã và đang đòi hỏi bức thiết chúng ta cần dứt khoát chuyển mạnh từ tư duy tồn tại sang tư duy cơ cấu, đồng thời với tư duy động lực (nguồn động lực, hệ động lực, vùng động lực…) nhằm phát triển đất nước, với xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số với nhân tố và động lực lớn bằng những đột phá về thể chế.
Ở đây, có thể nói, bao hàm 4 nhân tố rường cột cấu thành hệ thể chế đất nước và chi phối việc đổi mới, kiến tạo thể chế, gồm: Thể chế kinh tế giữ vai trò trung tâm; thể chế chính trị giữ vị thế dẫn dắt; thể chế xã hội giữ vai trò động lực chủ yếu; và thể chế chính trị quốc tế giữ vai trò động lực quan trọng.
Thứ ba là đổi mới thể chế nhằm đổi mới phương thức phát triển. Càng về cuối thập kỷ thứ hai thế kỷ XX, càng thách thức về sự phát triển rút ngắn, thậm chí là phát triển nhảy vọt. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nó đang mở ra sự rút ngắn về thời hạn, trật tự, bước đi và nấc thang phát triển, sự phát triển liên tục trong đứt đoạn cũng như sự kết hợp biện chứng giữa các phương thức phát triển rút ngắn… và chúng ta phải nắm lấy, tập trung thực thi.
Trên lộ trình mới, Việt Nam vừa phát triển tuần tự vừa kết hợp phát triển rút ngắn và vừa chọn đột phá bằng những bước nhảy vọt biện chứng, kiến tạo hệ thống thể chế tương dung với xung lực là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không thể không coi công việc phát triển khoa học công nghệ là động lực đột phá đón đợi thời cơ, đi thẳng tới hiện đại.
Đổi mới vì thế quyết không phải là sự phát triển khép kín, cục bộ. Càng đổi mới càng hội nhập và hợp tác quốc tế phải là động lực trọng yếu nhằm tiếp biến và thâu hóa tinh hoa nhân loại phục vụ cho sự phát triển đất nước văn minh, hiện đại. Phát triển chính là sự ổn định và ổn định ở đẳng cấp cao hơn để phát triển. Đây phải là một phương diện của phương thức phát triển rút ngắn mới. Phát triển toàn diện, đồng bộ và tốc độ nhưng phải cân bằng, hài hòa và hiệu quả. Thận trọng, chắc chắn nhưng không trì trệ. Đột phá, sáng tạo nhưng không manh động, phiêu lưu. Thực tế nhưng không thực dụng. Tất cả phải được thể chế hoá vì mục tiêu phát triển.
Theo: Báo Đại biểu Nhân dân.
Link: https://daibieunhandan.vn/bai-1-doi-moi-the-che-va-tang-truong-phat-trien-post390816.html