Bài 2: Không sống được bằng nghề, sao đủ động lực cống hiến?
Chế độ, chính sách chưa phù hợp và thỏa đáng nên đã không đủ sức thu hút người tài, càng khó để giữ được họ ở lại, cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.
Nghề “phi thường”, lương (dưới) bình thường
Băn khoăn nhất với Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) năm 2010 là nghệ thuật biểu diễn chưa được quan tâm tương xứng với tầm quan trọng của nó, trong đó chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ nhiều bất cập. “NSND, NSƯT vẫn hưởng lương diễn viên hạng 3 là điều không thể tưởng tượng nổi”, một thành viên Đoàn giám sát khi ấy chia sẻ. Ông cho rằng, có cảm giác chính sách của chúng ta đang cào bằng, cào bằng giữa nghệ thuật với các ngành khác và trong chính các môn nghệ thuật với nhau. “Nếu không sớm giải quyết được những vấn đề này, các nghệ sĩ không thể tập trung cống hiến cho nghệ thuật và công chúng sẽ là những người thiệt thòi nhất”.
Thời gian diễn viên múa cống hiến cho sân khấu thường chỉ đến 35 tuổi - Ảnh: HVMVN
Sau đợt giám sát, một số kiến nghị đã được tiếp thu, điều chỉnh. Rõ nhất là chế độ bồi dưỡng, tập luyện. Theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg, chế độ bồi dưỡng luyện tập đã được nâng lên, thấp nhất là 35.000 đồng/buổi và cao nhất là 80.000 đồng/buổi; chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi và cao nhất là 200.000 đồng/buổi, tùy theo vị trí trong chương trình, tác phẩm (trước đó chỉ 10.000 - 20.000 đồng/buổi tập, 40 - 50.000 đồng/buổi diễn).
Thế nhưng, như báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, từ năm 2015 đến nay, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng như trên vẫn giữ nguyên, không theo kịp nhu cầu của cuộc sống, vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
“Trong khi các chương trình của tư nhân có thể trả cao hơn nhiều, lên đến hàng triệu đồng/đêm diễn, thì với quy định mức bồi dưỡng như vậy không thể khuyến khích diễn viên sáng tạo, cống hiến, thậm chí dẫn đến chảy máu chất xám. Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng như các đơn vị nghệ thuật hết sức khó khăn trong xây dựng các chương trình, vở diễn”, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSƯT Trần Mạnh Cường cho biết.
Xiếc được gọi là nghề “phi thường”, nhưng những gì các diễn viên được hưởng ở thời điểm này thậm chí thấp hơn bình thường. Bởi xiếc hiện vẫn chỉ đào tạo bậc trung cấp, hệ số lương khởi điểm chỉ 1,86, với mức lương tối thiểu 1.800.000 đồng/tháng, diễn viên hạng IV sẽ nhận mức lương 3.348.000 đồng/tháng. Trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà viên chức được nhận thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại đối với diễn viên. Theo NSƯT Trần Mạnh Cường, “Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải cải tạo, sửa chữa nhà kho làm nơi ở cho nghệ sĩ trẻ để đỡ họ tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước. Nếu Liên đoàn không có chính sách hỗ trợ thì các em không thể trụ được với nghề”.
Hiện nay nhiều công ty tổ chức sự kiện dùng chính sách tiền lương để lôi kéo các nghệ sĩ trẻ. Bao nhiêu năm mới đào tạo được một diễn viên, không hề dễ dàng, nhưng lương tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam không đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân tài năng. Tiếc nhưng không làm biết làm thế nào!
Hết tuổi diễn, chờ tuổi hưu
Đặc thù của đào tạo diễn viên là công phu và lâu dài, một số bộ môn lên đến 15 - 16 năm. Như với múa, 6 - 10 tuổi là giai đoạn “ươm mầm nghệ thuật”, 10 - 12 tuổi đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành diễn viên kịch múa. Diễn viên xiếc cũng tương tự.
Đào tạo sớm, vào nghề sớm và hết tuổi diễn cũng sớm. Thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật của diễn viên các lĩnh vực này bình quân 15 - 20 năm, khi họ 35 - 40 tuổi (đối với nữ) và 40 - 45 tuổi (đối với nam), do khả năng biểu diễn bị suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động chuyên môn của nghề biểu diễn như: xiếc đế trụ, uốn dẻo, múa ballet...
“Thông thường thời gian diễn viên múa cống hiến cho sân khấu chỉ đến 35 tuổi, sau tuổi 35 diễn viên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật chuyên môn mà nghệ thuật biểu diễn sân khấu đòi hỏi”, Phó trưởng khoa Diễn viên múa, Học viện Múa Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Làm thế nào khi đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu? Đa số chọn học tiếp lên đại học để chuyển đổi vị trí việc làm từ diễn viên sang công chức, viên chức quản lý, hành chính. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ, không phải ngành nào cũng có đào tạo bậc đại học, như xiếc hiện chỉ đào tạo trình độ trung cấp; nếu học ngành khác thì lại không đảm đương được nhiệm vụ chuyên môn. Mặt khác, trên thực tế nhiều diễn viên hết tuổi nghề mong muốn giải quyết chế độ để được nghỉ hưu sớm, nhường biên chế cho diễn viên trẻ, nhưng hiện chưa có chế độ, chính sách phù hợp.
Đại diện nhiều đơn vị nghệ thuật và chính các nghệ sĩ đều đề nghị xem xét lại tuổi nghề của diễn viên một số loại hình nghệ thuật, thực tế và khoa học hơn, như đẩy sớm độ tuổi nghỉ hưu so với quy định để trẻ hóa đội ngũ và có nghệ sĩ biểu diễn; đồng thời có chính sách đãi ngộ xứng đáng để nghệ sĩ sống được bằng nghề và toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghệ thuật trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp.
Có thể thấy, những bất hợp lý trong chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ đã tồn tại nhiều năm, người trong cuộc biết và cũng đã kêu, nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Chính vì những bất hợp lý đó nên các diễn viên trẻ không mặn mà đến với nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là xiếc, múa và kịch hát dân tộc. Ngay cả các nghệ sĩ cũng không muốn con em mình nối nghiệp. Đành rằng lương, chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng Bộ phải thuyết phục được các bên liên quan như lao động, nội vụ, tài chính để thấy hết được thực tế đặc thù của ngành và có điều chỉnh phù hợp.