Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ
TTĐT- Sáng 05-5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ lần thứ 3.
Tham dự có ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành, địa phương vùng Đông Nam bộ.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị
Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trường Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.
Xây dựng vùng Đông Nam bộ có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ
Hội nghị đã công bố Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch Vùng này bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Toàn cảnh hội nghị
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 9%/năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 - 420 triệu đồng, tương đương 14.500 - 16.000 đô la Mỹ.
Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41 - 42% trong GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng 45 - 46% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 33%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2 - 3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10 - 11%.
Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%...
Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2031 -2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 đô la Mỹ.
Đông Nam bộ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đột phá nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính (gắn với hình thành trung tâm tài chính quốc tế), logistics.
Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải quyết cơ bản tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng và ô nhiễm môi trường. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho các địa phương
Tập trung phát triển vùng động lực phía Nam (vùng động lực quốc gia) trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Xây dựng đô thị TP.Hồ Chí Minh hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực.
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế, trong đó ưu tiên hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Mộc Bài – TP.Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế và làm cơ sở để tổ chức lại không gian phát triển vùng.
Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng để bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì tổ chức Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; qua đó, Hội đồng thẩm định đã có những nhận xét, đánh giá sự phù hợp, việc tuân thủ trình trình lập quy hoạch, nội dung tích hợp, hệ thống sơ đồ, bản đồ... và một số nội dung góp ý khác do các chuyên gia phản biện đóng góp đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển chung của vùng và quốc gia.
Dự kiến quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030 thông qua HĐND tỉnh trong tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2024.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là khung định hướng chiến lược phát triển, nhằm đổi mới tư duy và tầm nhìn, phát huy tính năng động và sáng tạo của Chính quyền địa phương và sự đồng hành, dẫn dắt của doanh nghiệp đầu tàu để tạo xung lực mới cho chuyển đổi mạnh mẽ mô hình hiện hữu sang mô hình phát triển mới, từ mô hình công nghiệp tích hợp dịch vụ và đô thị cộng sinh dạng township sang mô hình công nghiệp hiện đại thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Công nghiệp công nghệ cao (tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu) - đô thị thông minh và và đổi mới sáng tạo (đô thị hiện đại và đáng sống) - dịch vụ chất lượng cao (tham gia chuỗi giá trị gia tăng cao).
Đề xuất cơ chế, chính sách triển khai đường Vành đai 4
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển vùng Đông Nam bộ, nhất là đối với các dự án giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề xuất cơ chế, chính sách dành cho các địa phương vùng Đông Nam bộ
Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, dự án đường Vành đai 4 đang được các địa phương trong vùng tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư dự án đường Vành đai 4; nguồn vốn thực hiện dự án rất lớn trong khi đó ngân sách địa phương hạn chế... Do đó, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND TP.Hồ Chí Minh phối hợp với các Bộ ngành, địa phương xây dựng chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HỒ Chí Minh; ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu 50% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 10.041 tỷ đồng; trong đó Bình Dương khoảng 4.398 tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu 1.718 tỷ đồng, Đồng Nai khoảng 3.925 tỷ đồng. Riêng tỉnh Long An, đề xuất hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án, tương đương khoảng 28.458 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh phát biểu tham luận tại hội nghị
Thống nhất với đề xuất, kiến nghị của TP.Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã gặt hát được nhiều thành tựu đáng kể, trong đó có thể kể đến như: Hợp tác phát triển với các địa phương trong Vùng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành… cơ bản xác định các hướng tuyến kết nối các địa phương trong Vùng ra sân bay (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cảng biển (Cái Mép - Thị Vải); có phương án đầu tư phát triển ga Sóng Thần (Dĩ An) thành trung tâm vận chuyển hàng hóa trọng điểm của vùng Đông Nam bộ, từ đó hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt từ Bình Dương sẽ kết nối với các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc.
Mặc dù vậy, tỉnh đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương do nguồn vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn và nhu cầu đầu tư trong tỉnh rất lớn. Do đó, tỉnh kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ 50% tổng vốn ngân sách tham gia dự án đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương tương tự như dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, dự án xây dựng cầu Thủ Biên không nằm trong danh sách dự án thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Do đó, tỉnh kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét, chấp thuận cho tỉnh Bình Dương được áp dụng cơ chế: "HĐND cấp tỉnh được quyết định sử dụng ngân sách địa phương và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án, công trình giao thông có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa các địa phương thuộc dự án Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh" để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Qua rà soát dự thảo Báo cáo về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện và trình Quốc hội ban hành nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thể chế và tạo động lực tăng trưởng đột phá cho các tỉnh, thành phố trong Vùng.
Về nguồn lực đầu tư, theo ông Võ Văn Minh, hạ tầng giao thông vùng cần nguồn lực lớn trong khi vùng Đông Nam bộ có 4/6 tỉnh, thành phố thuộc nhóm địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương, tuy nhiên tính bình quân tỷ lệ ngân sách địa phương được hưởng khá thấp so với các vùng khác. Do đó, tỉnh cũng kiến nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn, nhằm tăng tỷ lệ điều tiết nguồn ngân sách địa phương được hưởng để các tỉnh, thành phố trong Vùng tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, hạ tầng Vùng.
Qua ý kiến thảo luận của các Bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế chưa tương xứng với phát triển của vùng như: Phát triển công nghiệp văn hóa; hạ tầng liên kết giữa các vùng còn hạn chế về giao thông, chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hoá; ô nhiễm môi trường, ngập lụt và ùn tắc giao thông vẫn còn diễn ra; sự hỗ trợ giữa các địa phương còn hạn chế, nhất là hỗ trợ về ngân sách…
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị, các địa phương vùng Đông Nam bộ cần phải "tăng tốc, đột phá, tiên phong, kiên quyết, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả". Trong đó phải xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, đổi mới; xây dựng hạ tầng chiến lược phải nhanh, hiện đại; quản trị phải thông minh, phù hợp với xu thế phát triển mới. Bên cạnh đó đi đôi với đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, đầu tư xuất khẩu tiêu dùng, bổ sung động lực mới; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức; xác định 03 đột phá chiến lược: phát triển cơ sở hạ tầng, thể chế và con người.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới. Trong đó, phải đặt con người là trung tâm của phát triển; tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; huy động mọi nguồn lực để phát triển, nhất là nguồn lực về vốn.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình với các đề xuất của các địa phương trong xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện đường Vành đai 4. Giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất chế độ, chính sách huy động nguồn vốn để thực hiện dự án. Đối với sân bay Long Thành, Thủ tướng đề nghị phải hoàn thành trong năm 2025; dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải xong trước 30/4/2025; đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường cao tốc, nhất là cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Văn phòng Chính phủ tổng hợp các đề xuất của địa phương để giao các lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành phối hợp khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Theo: Cổng thông tin điện tử tình Bình Dương.
Link: https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2024/05/57-xay-dung-co-che-chinh-sach-phat-trien-ha-tang-giao-thong-vung-dong-nam-b