Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
Chiều ngày 28/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 12 để cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp
Phiên họp có sự tham dự của đông đủ các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; các thành viên đại diện Bộ Nội vụ; Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng của Quốc hội. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với một số điểm thành viên của Uỷ ban.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban là cơ hội để các thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng cùng thảo luận và cho ý kiến về các Báo cáo công tác cũng như các Báo cáo chuẩn bị trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới. Đặc biệt là nội dung về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Trên tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình mong muốn các đại biểu, với cương vị là thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng nghiêm túc đánh giá và cho ý kiến về các nội dung chương trình phiên họp đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) (dự thảo Luật). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chỉnh lý lại cơ bản dự thảo Luật theo hướng: thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp 2013 về thanh niên; không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành 01 điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung 01 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên.
Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.
Với cách tiếp cận này, Dự thảo đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mặt khác, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, dự thảo Luật thiết kế 01 chương quy định về quản lý nhà nước nhằm mục đích giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đặc biệt là việc ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để triển khai các chính sách đối với thanh niên được quy định trong Luật.
Về bố cục, dự thảo Luật đã tách Chương quy định về chính sách nhà nước thành một chương riêng để đảm bảo sự cân đối về bố cục giữa các chương, điều; đồng thời sắp xếp lại Dự thảo theo trình tự như sau: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Trách nhiệm của thanh niên; Chương III: Chính sách nhà nước đối với thanh niên; Chương IV: Tổ chức thanh niên; Chương V: Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên; Chương VI: Quản lý nhà nước về thanh niên; Chương VII: Điều khoản thi hành. Với cách thiết kế này, Dự thảo có 7 chương, 41 điều, giảm 21 điều so với Dự thảo 6 trình Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết tại phiên họp
Về độ tuổi của thanh niên, một số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật, theo đó quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 tuổi cho đến 30 tuổi.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết cho biết, quy định về độ tuổi thanh niên không giống nhau ở các nước nhưng thường tập trung trong khoảng từ 15 đến 30 tuổi. Việc quy định độ tuổi thanh niên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu phát triển toàn diện thanh niên của từng quốc gia.
Luật Thanh niên số 52/2005/QH11 quy định thanh niên là người từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Tổng kết thi hành Luật qua hơn 10 năm triển khai thực hiện cho thấy độ tuổi này phù hợp với giai đoạn phát triển tâm, sinh lý của thanh niên, với vai trò của tầng lớp thanh niên trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với mục đích phát triển thanh niên của Nhà nước, đồng thời phù hợp với khả năng thực thi của luật trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại và trong tương lai của Việt Nam; đây cũng là độ tuổi phù hợp trong mối tương quan với độ tuổi của trẻ em theo Luật Trẻ em. Mặt khác, qua rà soát cho thấy quy định của dự thảo Luật không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đều cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) sau khi được Quốc hội cho ý kiến đã có nhiều chính sách được quy định rõ hơn, tiến bộ và thiết thực.
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Cao Đình Thưởng- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu
Theo Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Cao Đình Thưởng- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, dự thảo Luật lần này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu là một luật khung về thanh niên; có thể tạo ra sức bật mới cho thanh niên; đồng thời có thể dẫn chiếu cho các Luật khác về các nội dung liên quan đến thanh niên; không chung chung và mang tính khẩu hiệu giống như Luật Thanh niên 2015. Ngoài ra, các quy định về trách nhiệm lý nhà nước và trách nhiệm của thanh niên cũng đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến chính sách thu hút thanh niên tài năng, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0 thời nay, cụ thể cần có chính sách mới đột phá về thanh niên, mạnh dạn giao những nhiệm vụ mới cho thanh niên để thanh niên phấn đấu theo tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Mùa A Vảng- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Mùa A Vảng- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm trách nhiệm của thanh niên đối với môi trường. Bởi Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khi hậu và việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Môi trường đang là vấn đề nóng của toàn nhân loại, ô nhiễm môi trường đang có những ảnh hưởng tới kinh tế – xã hội toàn cầu.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phản ánh về tình trạng thanh niên ở miền núi vỡ kế hoạch gia đình. Do vậy, nhiều ý kiến cũng đề xuất bổ sung thêm trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá cao tinh thần làm việc tập trung của các đại biểu tại phiên thảo luận; khẳng định Ủy ban và Ban soạn thảo sẽ ghi nhận, tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên họp để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một lần nữa để Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới./.
Thu Phương- Nghĩa Đức