Phiên họp Toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Giải trình về quản lý nhà nước về báo chí
Sau 3 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 cho thấy, các quy định trong Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cơ bản đã tạo hành lang pháp lý cần thiết để xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới đang đặt ra đối với quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu khai mạc phiên giải trình
Chiều ngày 24/9, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, đã diễn ra phiên giải trình về quản lý nhà nước về báo chí. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên giải trình. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Hành lang pháp lý xây dựng nền báo chí lành mạnh
Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực, công tác ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khi thi hành Luật được các cơ quan có thẩm quyền chú trọng, đã ban hành 2 nghị định của Chính phủ, 4 thông tư. Các quy định trong Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cơ bản đã tạo hành lang pháp lý cần thiết để xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí. Luật Báo chí 2016 đã tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động báo chí cũng như quản lý nhà nước về báo chí
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thực tiễn hoạt động báo chí cũng đã xuất hiện một số hạn chế mà Luật Báo chí chưa bao quát hết. Thực tiễn đã xuất hiện xu hướng báo chí và truyền thông mới mà Luật Báo chí và các văn bản dưới Luật chưa thể bao quát hết, như: Xu hướng báo chí đa phương tiện; xu hướng "báo chí công nghệ"; xu hướng sử dụng "trí tuệ nhân tạo" và cung cấp nội dung xuyên biên giới.
Nhiều loại hình hoạt động thông tin có tính chất như báo chí (như mạng xã hội, trang tin điện tử (web), ứng dụng (app) không phép trong nước và xuyên biên giới cung cấp nội dung thông tin, các video, chương trình phát thanh, truyền hình…) cần có những quy định quản lý phù hợp bảo đảm mặt bằng phát triển chung và công bằng giữa báo chí với các loại hình truyền thông khác. Nhiều loại nội dung cung cấp, đăng tải trên các loại hình báo chí hiện tại về bản chất không phải là báo chí, chỉ đơn thuần chỉ là giải trí, thương mại.
ĐBQH Phan Viết Lượng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện quy hoạch báo chí
Tốc độ phát triển nhanh chóng của các loại hình truyền thông mới cũng tạo ra những thách thức mới đối với báo chí truyền thống, đó là: Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át; báo chí có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo; báo chí có thể sẽ bị phụ thuộc vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập, tạo nguồn thu… Chưa có quy định cụ thể về việc cơ quan báo chí có thể liên kết theo hình thức nào (hợp đồng liên doanh hay hợp tác kinh doanh), cũng như quy trình, thủ tục liên kết.
Bảo đảm tiến độ thực hiện quy hoạch báo chí
Tại phiên giải trình, các thành viên Ủy ban đều ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý nhà nước về hoạt động báo chí; chia sẻ với Bộ khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều vấn đề mới, từ khái niệm đến phương thức quản lý nhà nước về báo chí. Nhiều đại biểu quan tâm đến việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó mong muốn xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, cách thức lựa chọn cơ quan báo chí để ưu tiên đầu tư, cũng như bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện quy hoạch.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa băn khoăn về việc báo chí chính thống đang bị mạng xã hội lấn lướt
Một số đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý việc liên kết trong hoạt động báo chí, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, tránh để tư nhân núp bóng và chi phối hoạt động báo chí; hạn chế tin giả, tin xấu, tin độc, gây bất ổn xã hội; có biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân trên phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là thông tin về trẻ em…
ĐBQH Cao Đình Thưởng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp căn cơ để hạn chế tin giả, tin xấu, tin độc, đưa thông tin chính thống đến với độc giả nhiều hơn
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng những vấn đề đại biểu đặt ra cũng là trăn trở của lãnh đạo Bộ và sẽ được Bộ tiếp tục quan tâm trong thời gian tới, để tạo môi trường thuận lợi cho báo chí phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Lãnh đạo Bộ cũng cam kết sẽ thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bảo đảm đúng tiến độ; có cơ chế phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ, ngành khác để xử lý tin giả, tin xấu, tin độc; đặc biệt ứng dụng công nghệ cũng như có biện pháp mạnh để bảo vệ thông tin cá nhân trên báo chí…./.
Nhật Linh
Theo: Báo đại biểu nhân dân (https://www.daibieunhandan.vn/giai-trinh-ve-quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-chi-mazodz1jjb-47559)