Phát biểu thảo luận của đại biểu Phạm Trọng Nhân tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa IX
Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình cao với việc ban hành nghị quyết, song đề nghị cần tăng thêm số lượng, chất lượng đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách.
Sau đây Ban biên tập xin đăng tải toàn văn phát biểu của đại biểu Phạm Trọng Nhân thảo luận tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
Kính thưa Chủ toạ, Kính thưa Quốc hội,
Đi tìm mảnh ghép thể chế phù hợp với quy mô, tầm vóc và thể trạng Thành phố Hồ Chí Minh là nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo nơi đây qua các thời kỳ. Câu chuyện thành phố không xin kinh phí mà chỉ xin cơ chế cho điều hành, phát triển vốn không mới nhưng rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Dù không nên hiểu là xin cho nhưng thử hỏi vì sao việc xin cơ chế lại đến từ thành phố mà không xuất phát từ yêu cầu cải cách, với trách nhiệm của mình, lẽ ra Quốc hội phải chủ động thực hiện? Ở góc độ lập pháp, Nghị quyết khi triển khai được cho là góp phần giảm ùn tắt thể chế, khơi thông nguồn lực, tăng công suất cho đầu tàu kinh tế. Ở góc độ nhân văn, dự thảo nghị quyết như chuyển tải thông điệp về lẽ sống mà thành phố đã tìm kiếm và lựa chọn từ trong khát vọng, trách nhiệm và nghĩa tình của mình về một mô hình chính quyền mà ở đó, mỗi tầng nấc được dỡ bỏ là thêm những bổn phận với nhân dân, trách nhiệm với sự phát triển, và dĩ nhiên là không chỉ dành riêng cho thành phố.
Sức nặng của Nghị quyết không nằm ở tập tài liệu hàng 100 trang, mà ở nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Nhân dân thành phố cũng như Uỷ ban nhân dân quận và phường, bởi bên cạnh những nhiệm vụ do luật định, chính quyền địa phương nơi đây còn gánh thêm rất nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm khác. Ở trạng thái bình thường cũng đủ thấy áp lực mà chính quyền thành phố đang gánh vác mỗi ngày với khối lượng công việc của một siêu đô thị. Khi nghị quyết được thông qua, nơi đây sẽ phải luôn đặt trong “trạng thái bình thường mới” bởi hoạt động thực thi chức năng, nhiệm vụ của thành phố lúc bấy giờ phải sâu rộng đến cả cấp phường. Như vậy rõ ràng, nghị quyết với cơ chế thông thoáng nhưng chỉ thoáng trong tầng nấc quản lý mà không phải thoáng việc cho cán bộ, công chức.
Thật khó để hình dung với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo búp bê Nga đồng hạng như một chính quyền nông thôn, trong khi hàng chục năm nay, đặc điểm quy mô kinh tế, xã hội, công tác quản lý nhà nước đã có những biến chuyển sâu sắc, đòi hỏi phải kịp thời thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển cho địa phương vốn luôn phải gánh vác vai trò động lực quan trọng của cả nước mà các cấp lãnh đạo thành phố vẫn luôn trăn trở nhiều năm qua và chính họ chứ không ai khác hiểu rõ nhất những bất cập của chiếc áo thể chế chật chội đang khoác lên thể trạng của thành phố hiện nay.
Tôi tán thành với Tờ trình và nhiều ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thận trọng và dừng lại ở thí điểm như một số ý kiến tại báo cáo thẩm tra thì Quốc hội cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác lập pháp không chỉ ở dự thảo Nghị quyết này mà còn không ít những dự án luật khác trong nhiệm kỳ và phải trả lời cho được câu hỏi vì sao hơn 10 năm trước Quốc hội đã thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường và được đánh giá đã thực sự thu được những kết quả tích cực thì trong thời điểm giao thoa giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội, mô hình này lại quay trở về với cái cũ vốn đã được Quốc hội mạnh dạn bước qua? Có vô lý không khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã thiết kế điều khoản mở, tạo điều kiện để thành phố xây dựng chính quyền đô thị nhưng giờ đây lại tiếp tục đặt vấn đề thí điểm? Với cách làm này liệu có phải chúng ta đã và đang quá lãng phí cơ hội vàng để khai phóng kịp thời các nguồn lực cho quốc gia phát triển?
Một trong nhiều trăn trở của người dân và không ít đại biểu khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một cấp nào đó là liệu có ảnh hưởng đến quyền làm chủ, quyền giám sát của Nhân dân qua người đại diện cho mình hay không? Câu hỏi này nếu đặt trong bối cảnh trình độ khoa học, công nghệ chưa phát triển thì tôi tin câu trả lời là có. Tuy nhiên, đặt trong tương quan với tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh mà phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rất rành mạch, rõ ràng… không những chuyển tải phản ánh, tiếng nói của người dân ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào mà còn giúp người dân thực hiện quyền giám sát của mình về trách nhiệm, cách thức giải quyết vấn đề của chính quyền địa phương các cấp mà những gì người dân Thừa Thiên Huế trải nghiệm trên ứng dụng Hue-S khi xây dựng đô thị thông minh nơi đây đã minh chứng rất rõ và hiệu quả cho điều này. Do đó, không riêng gì thành phố, xu thế phát triển mạnh mẽ và không thể đảo ngược của khoa học, công nghệ sẽ ngày càng lan toả đến nhiều địa phương khác, tạo điều kiện và củng cố quyền làm chủ của Nhân dân. Trong lộ trình xây dựng đô thị thông minh, đây chắc chắn là một nội dung trọng yếu gắn liền với việc xây dựng chính quyền đô thị mà thành phố đang triển khai. Điều quan trọng là mức độ thông minh và thân thiện của hệ thống phải đúng như kỳ vọng để hướng đến tinh giản, tinh gọn biên chế, bộ máy nhưng vẫn đảm bảo và đảm bảo tốt hơn nữa trong hiệu quả hoạt động và quản lý.
Ngoài một số ý kiến đại biểu cũng như những vấn đề được đặt ra trong báo cáo thẩm tra, tôi cũng đề nghị Chính phủ làm rõ thêm căn cứ pháp lý về quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận tại khoản 5 Điều 2 trong khi chức vụ này không do Hội đồng nhân dân thành phố bầu mà do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái. Từ việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, để quyền lực được giám sát chặt chẽ, các cơ quan được quy định thực hiện quyền giám sát sẽ phải tích cực, tăng cường hoạt động. Do đó, kết quả giám sát của các cơ quan, tổ chức, các đại biểu dân cử kể cả đại biểu Quốc hội là những căn cứ quan trọng để đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận thay cho quy định quyền lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân thành phố, tránh gây những tranh cãi không cần thiết.
Kính thưa Quốc hội,
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ trao cho Thành phố một cơ hội mà còn trao cho thành phố một lẽ sống mà nhiều thế hệ lãnh đạo nơi đây mong đợi. Với tất cả niềm tin của Quốc hội dành cho đầu tàu kinh tế, tôi tin Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây sẽ không phụ sự kỳ vọng của Quốc hội và người dân ở các vùng miền còn lại về một chặng đường mới khi thành phố quyết tâm không “chọn việc nhẹ nhàng” để hướng tới khát vọng lớn lao của một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Chúng ta nói quá nhiều về những điều to tát, luôn trăn trở đi tìm nguồn lực cho tăng trưởng, lo xây tổ để đón đại bàng… nhưng qua câu chuyện thành phố xin cơ chế cũng nói lên một điều rằng tư duy, ý chí về phát triển thì không thiếu nhưng hành động lại cho thấy chúng ta chưa sẵn sàng cởi trói cho nguồn lực để hiện thực hoá tư duy và ý chí đó. Phải chăng vì lẽ đó mà Thủ tướng đã nhắn nhủ trong phần trả lời chất vấn khi cho rằng: Thách thức lớn nhất không phải thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải tụt hậu về kinh tế mà thách thức lớn nhất là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất chính là thiếu quyết tâm hành động.
Đừng để thế hệ mai sau phải ngồi lại để phán xét và trách cứ tiền nhân về những gì mà chúng ta đi qua ngày hôm nay.
Xin cảm ơn Quốc hội.
(Nguồn: hdnd.vn)