Nhiều ý kiến đóng góp cho các dự thảo luật trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
TTĐT - Chiều 10-02, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trình Kỳ họp lần thứ 9 (bất thường), Quốc hội khóa XV. Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Toàn cảnh hội nghị
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm có 7 chương với 50 điều, giảm 93 điều so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Trong đó, quy định rõ về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp; tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...
Dự thảo Luật quy định khi phân quyền, phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương phải bảo đảm xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan và giữa các cấp chính quyền địa phương; phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp; kiểm soát quyền lực và quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan Nhà nước cấp trên.
Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) bao gồm 8 chương với 72 điều, giảm 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tập trung 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; quy định về vai trò của cơ quan trình dự án luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…



Đại biểu thảo luận góp ý kiến tại hội nghị
Hội nghị đã tiếp nhận nhiều lượt ý kiến góp ý, tập trung vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Cụ thể, cần quy định rõ để phân biệt chính quyền địa phương ở nông thôn và chính quyền địa phương ở đô thị; phạm vi ủy quyền chỉ quy định ở cơ quan ủy quyền và cơ quan được ủy quyền, người ủy quyền với người được ủy quyền…
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ nghiên cứu và tổng hợp để trình tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khoá XV sắp tới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận hội nghị