Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Nỗ lực, đổi mới, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội năm 2024
Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã nỗ lực hoạt động, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, kiến nghị nhiều vấn đề sát thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội năm 2024. Nổi bật trong đó là đổi mới công tác lấy ý kiến xây dựng pháp luật, tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và ở cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh…
Năm 2024 là năm có nhiều dấu ấn nổi bật trong hoạt động của Quốc hội, công tác lập pháp có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức tiến hành; đồng thời tập trung “tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”, quyết nghị những chủ trương mang tính thời đại, tạo tiền đề cho đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới. Cụ thể hóa tinh thần đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã nỗ lực hoạt động, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, kiến nghị nhiều vấn đề sát thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế đột phá vì sự phát triển chung của đất nước. Theo đó, năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, một trong những điểm nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh năm 2024 là đổi mới công tác lấy ý kiến xây dựng pháp luật bằng cách tổ chức Hội nghị trực tiếp và gửi văn bản trực tiếp, kết hợp với thảo luận nhóm, trao đổi chuyên sâu với các bên có liên quan.
Với tinh thần trách nhiệm, lập pháp vì dân và yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, ĐBQH tỉnh Bình Dương đã nghiên cứu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nắm bắt những điểm nghẽn từ thực tế. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 13 hội nghị lấy ý kiến 25 dự thảo Luật và lấy ý kiến bằng văn bản 21 dự thảo Luật, Nghị quyết khác; tổ chức 04 hội nghị chuyên đề và ghi nhận, trao đổi, lắng nghe hơn 50 ý kiến, kiến nghị cử tri trực tiếp trao đổi qua điện thoại, đồng thời, thảo luận tổ, trao đổi chuyên sâu các vấn đề nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp gửi báo cáo sơ kết, tổng kết, đánh giá, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định còn gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện và chưa tạo động lực tăng trưởng, đồng thời cải cách hành chính theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương khẳng định, đây là “chất liệu thực tiễn” quan trọng, giúp cho các vị ĐBQH địa phương nghiên cứu, tích cực tham gia ý kiến tại các kỳ họp, giám sát của Quốc hội. Cụ thể, đã có 125 lượt phát biểu, trong đó 73 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ và 52 ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường; gửi 18 văn bản kiến nghị, góp ý đối với các nội dung trình kỳ họp; chất vấn 14 nội dung, lĩnh vực, trong đó có 09 nội dung chất vấn trực tiếp tại Hội trường và 05 nội dung chất vấn bằng văn bản đến Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng. Nhiều kiến nghị sát thực tiễn của Đoàn ĐBQH Bình Dương và đại biểu Quốc hội trong tỉnh được ghi nhận, tiếp thu đưa vào Luật, Nghị quyết của Quốc hội.
Các nội dung góp ý, kiến nghị, chất vấn đã được ĐBQH nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện, sâu sắc, có tính phản biện cao nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo sự thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.
Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu tại Tổ, tại Hội trường và trả lời phỏng vấn bên lề của Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Nhiều kiến nghị của Đoàn ĐBQ tỉnh Bình Dương sát đúng với thực tế nhiều địa phương trên cả nước, được Chủ tọa kỳ họp ghi nhận, tiếp thu, cụ thể hóa vào Luật, Nghị quyết của Quốc hội, đơn cử như: Luật Đầu tư công đã luật hóa các chính sách thí điểm hiệu quả cho các địa phương trên cả nước; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ; cơ chế thanh toán một vài nội dung trong thanh, quyết toán phòng, chống Covid-19 đã được đưa vào Nghị quyết chất vấn của Quốc hội; các Luật liên quan đến đấu thầu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật BHYT đã có đặc thù riêng về đấu thầu, mua sắm thuốc cho các cơ sở y tế công lập, quản lý đặc thù về giá thuốc…
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát và Chương trình giám sát năm 2024 của Đoàn đại biểu Quốc hội, trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã tổ chức 04 chuyên đề giám sát, trong đó có 03 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 01 chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh.
Phục vụ giám sát 04 chuyên đề trên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã tổ chức 13 cuộc khảo sát thực tế, làm việc với gần 100 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời thực hiện lấy phiếu khảo sát trực tuyến; tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan. Qua các buổi làm việc, Đoàn đã kịp thời nắm bắt thông tin thực tiễn, nhận định, đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, đề xuất kiến nghị đến Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Trung ương. Kết quả giám sát chuyên đề là những dữ liệu quan trọng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến tại các kỳ họp của Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” trên địa bàn
Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển 88 ý kiến, kiến nghị, trong đó có 65 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và 23 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức 02 cuộc giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2024, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội thông qua phiếu nhận xét, đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp, pháp luật trên địa bàn tỉnh và các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và có kiến nghị cụ thể đến Quốc hội.
Để lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, người hoạt động thực tiễn, ý kiến của cử tri, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh, các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề và đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp để tiếp xúc cử tri, nâng cao hơn nữa công tác dân nguyện trong tình hình mới. Với phương châm “gần dân, sát dân, tôn trọng Nhân dân”, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương xác định tiếp xúc cử tri là dịp vừa lắng nghe, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri và vừa tiếp thu các sáng kiến, kế sách hay trong Nhân dân đối với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, vừa tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị về những chính sách mới, đột phá mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước trong giai đoạn mới.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tiếp xúc cử tri phường Phú Hòa trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV gắn với hoạt động trao tặng Hội khuyến học tại địa phương.
Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước và sau các Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8 tại 51 xã, phường, thị trấn và 04 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với cử tri là doanh nghiệp, ngành giáo dục, công nhân lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.
Tại các buổi tiếp xúc, có 7.796 cử tri tham dự với 395 lượt ý kiến, kiến nghị. Qua tổng hợp, có 607 ý kiến, kiến nghị, đa số các ý kiến, kiến nghị của cử tri được các vị ĐBQH tỉnh và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp giải trình trực tiếp tại hội nghị, đồng thời tiếp thu, ghi nhận 70 ý kiến, kiến nghị cử tri chuyển đến Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết và 23 ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tổ chức thăm, tặng quà và tiếp xúc cử tri chuyên đề với đoàn viên Công đoàn, người lao động trước Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Tính đến ngày 30/11/2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã phát hành 107 văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri được ghi nhận tại Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (trong đó 82 văn bản trả lời thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương và 25 văn bản trả lời thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan địa phương).
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức thường xuyên, hiệu quả; công tác tuyên truyền kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương được thực hiện đi vào chiều sâu, kết hợp các hình thức phong phú, đa dạng...
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu rõ, trong điều hành hoạt động thường xuyên, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ứng dụng phần mềm xử lý văn bản trực tuyến (Văn phòng số Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh), qua đó việc trình văn bản đi, đến, ký văn bản đều thực hiện tốt trên nền tảng trực tuyến. Các tài liệu do Quốc hội cung cấp cho đại biểu được Đoàn thông tin kịp thời cho các vị ĐBQH. Trong các đợt giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức khảo sát trực tiếp kết hợp trực tuyến đối với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”, kết quả có 268 lượt người tham gia trả lời khảo sát.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khảo sát trực tuyến giúp mở rộng đối tượng tham gia khảo sát, nâng cao hiệu quả công tác thống kê, tổng hợp khảo sát
Nối tiếp thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực giám sát, việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do Đoàn ĐBQH tỉnh và ĐBQH chuyển đến các cơ quan chức năng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã tiếp tục phát triển, tích hợp phần mềm nội bộ phục vụ việc theo dõi, trả lời ý kiến của cử tri. Vì vậy, hầu hết các ý kiến đều được giải trình tại các buổi tiếp xúc cử tri. Đối với các cam kết thực hiện của địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các địa phương báo cáo kết quả tiến độ thực hiện để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Điều này đã góp phần giúp cho việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc.
Kết quả từ 26/12/2023 đến 30/11/2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 305 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, trong đó, đã chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết 61 đơn (chuyển cơ quan ngoài tỉnh xem xét, tổng hợp 21 đơn, chuyển cơ quan chức năng trong tỉnh 40 đơn); trả lời, hướng dẫn 122 đơn; lưu 122 đơn do không đủ điều kiện xử lý theo quy định. Kết quả xử lý đạt tỷ lệ 100%.
Trong năm qua, với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái”, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trong đó, tổ chức chương trình thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với đất nước, thăm tặng quà công nhân lao động, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, thăm hỏi, động viên các học viên là cán bộ, chiến sĩ Bình Dương đang học tập tại Hà Nội, với tổng số tiền 618.500.000 đồng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tặng quà cho gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng tại thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã cùng tham gia với các cơ quan, đơn vị đi thăm, tặng quà cho Nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra
(Nguồn: Cổng thông tin Quốc hội. Tác giả: Bích Ngọc - Nghĩa Đức).