Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: 97,8% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời
Sáng 21/10, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
97,8% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời
Trình bày Báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường; giáo dục, đào tạo.
Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 97,8%.
Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 35/35 kiến nghị, đạt 100%. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật được Quốc hội đặc biệt chú trọng, nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tới.
Nhiều vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề trong năm 2025 như: Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Trưởng Ban Dân nguyện nhận thấy, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời trước thời hạn, chất lượng giải quyết, trả lời ngày càng được nâng lên; đã giải quyết và trả lời 2.112/2.162 kiến nghị, đạt 97,7%.
Văn bản trả lời đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị, có dẫn chứng các quy định liên quan, cung cấp đầy đủ thông tin đến cử tri. Trong quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực đã có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định, cải thiện đời sống của Nhân dân, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri như: Trả lời của Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 27/27 kiến nghị, đạt 100%, trong đó, đã trả lời về hỗ trợ kinh phí để Tòa án nhân dân địa phương tổ chức phiên tòa trực tuyến; tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Viện kiểm sát nhân dân các địa phương; hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự…
Nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 7 của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết.
Qua giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng và hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”, làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, xây dựng ban hành chính sách, bảo đảm chính sách đưa ra được thực hiện hiệu quả trên thực tế.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh để áp dụng từ ngày 1/1/2025. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành quy định về chế độ đối với giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ...
Trưởng Ban Dân nguyện cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các địa phương có giải pháp quyết liệt, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; phân công cơ quan chủ trì khẩn trương tham mưu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hằng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri; đảm bảo thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri kịp thời, đúng quy định. Đối với Chính phủ, Bộ, ngành ở Trung ương tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong báo cáo; tiếp tục quan tâm hơn nữa việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.