Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Lê Văn Khảm thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nêu rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được ban hành ngày 23/11/2009, đến nay đã được 13 năm. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định so với yêu cầu phát triển của đất nước. Đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng, yêu cầu khám, chữa bệnh đã có những thay đổi lớn. Do đó, việc trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh là rất cấp thiết. Hội nghị nhằm cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong quá trình thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm có 10 chương và 99 điều, so với luật hiện hành tăng một chương và 8 điều. Trong đó, chương 9 là chương hoàn toàn mới về khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ và tình trạng khẩn cấp. Dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Dự kiến, đến tháng 7/2023, Luật này mới có hiệu lực.
Toàn cảnh hội nghị

Lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền góp ý dự thảo Luật
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong điều kiện hiện nay là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các ý kiến cũng tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề như: Nâng cao kỹ năng hành nghề, quản lý hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh; thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề; quyền được đảm bảo an toàn khi hành nghề; khám và điều trị ngoại trú; các hành vi bị cấm; giải quyết trường hợp tử vong; quyền của người hành nghề… Các đại biểu cho rằng, quy định cấp Giấy phép hành nghề có thời hạn trong 05 năm và quy định không cấp lại Giấy phép hành nghề đối với người trên 50 tuổi là không phù hợp; cần xem xét quy định không cấp chứng chỉ hành nghề cho y sĩ sau năm 2025 vì liên quan đến các chuyên ngành đào tạo y sĩ; đồng thời cần giải thích các từ ngữ trong Luật cho rõ ràng, cụ thể…
Ông Phạm Trọng Nhân – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, ông Phạm Trọng Nhân đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tạo điều kiện cho các chuyên gia, bác sĩ, chuyên viên trong ngành Y tế góp ý dự thảo Luật, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến góp ý trong thời gian tới.