Thường trực HĐND tỉnh họp phiên định kỳ lần thứ 45
Sáng ngày 22/12/2020, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp định kỳ lần thứ 45 để xem xét, cho ý kiến đối với một số nội dung do UBND tỉnh trình. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quang Điệp chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp
Trên cơ sở Tờ trình của UBND tỉnh được đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tại phiên họp, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu tham dự, Thường trực HĐND tỉnh đã chấp thuận nội dung đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo xây dựng dự thảo nghị quyết đảm bảo chất lượng về nội dung và thời gian theo đúng quy trình, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để trình HĐND tỉnh xem xét vào kỳ họp thường lệ giữa năm 2021, trong đó cần lưu ý về tiêu đề của Nghị quyết cho phù hợp với quy định của Luật Phí và Lệ phí năm 2015 và đối tượng miễn, giảm phí là người thuộc hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bởi vì hiện nay Bình Dương chỉ còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh và không còn xã đặc biệt khó khăn.
.jpg)
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Trúc Thanh trình bày Tờ trình của UBND tỉnh
Cũng tại phiên họp lần này, lãnh đạo Sở Tài chính trình bày Tờ trình của UBND tỉnh về Quy định hệ số điều chỉnh giá đất (K) năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Dương và ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù của cơ quan, tổ chức đơn vị và diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Trịnh Đức Tài phát biểu tại phiên họp
Theo đó, về quy định áp dụng hệ số K, bổ sung các nội dung sau: Thửa đất hoặc khu đất có hệ số sử dụng đất từ 4,0 đến dưới 6,0 lần thì hệ số điều chỉnh giá đất tăng thêm 5%; hệ số sử dụng đất từ 6,0 đến dưới 8,0 lần thì tăng thêm 10%; hệ số sử dụng đất từ 8,0 đến dưới 10,0 lần thì tăng thêm 15%; hệ số sử dụng đất từ 10,0 đến dưới 11,5 lần thì tăng thêm 20%; hệ số sử dụng đất từ 11,5 đến 13,0 lần thì tăng thêm 25%; hệ số sử dụng đất trên 13,0 lần thì tăng thêm 30% so với hệ số K.
Về điều chỉnh hệ số K một số đoạn, tuyến đường, cụ thể: Thành phố Thủ Dầu Một: 01 tuyến có hệ số K đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tăng 0,2 và 08 tuyến có hệ số K đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tăng 0,1; huyện Bàu Bàng: 02 tuyến có hệ số K đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tăng 0,1; huyện Bắc Tân Uyên: 01 tuyến có hệ số K đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tăng 0,1; huyện Phú Giáo: 12 tuyến có hệ số K đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tăng 0,1; huyện Dầu Tiếng: 06 tuyến có hệ số K đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tăng 0,2, 02 tuyến có hệ số K đất nông nghiệp tăng 0,1, hệ số K đất phi nông nghiệp tăng 0,2 và 02 tuyến có hệ số K đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tăng 0,1.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Thanh Thúy trình bày Tờ trình của UBND tỉnh
Nhìn chung các nội dung áp dụng hệ số K bổ sung năm 2021 được UBND tỉnh xây dựng phù hợp với quy định, hướng dẫn của pháp luật hiện hành; đối với các tuyến, đoạn đường được đề nghị điều chỉnh tăng hệ số K năm 2021 có số lượng ít, các tuyến, đoạn đường này đều có giá trị sinh lợi và giá trị quyền sử dụng đất tăng do được đầu tư xây dựng, nâng cấp hoặc do mức độ đô thị hóa cao; do đó Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với nội dung này.
Riêng nội dung về ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù của cơ quan, tổ chức đơn vị và diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh giao cho đơn vị chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng nội dung quy định, trong đó cần dự báo về xu hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, vị trí địa lý, đơn vị hành chính, quy mô dân số…; đồng thời, tổ chức khảo sát thực tế và lấy ý kiến góp ý trước khi trình Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến nhằm đảm bảo nội dung ban hành đúng quy định, chặt chẽ, có tính toàn diện và phù hợp thực tiễn.
Thùy Trang - Thành Phương
Nguồn: hdnd.vn