Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-HĐND ngày 14/8/2019 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
Sau thời gian Đoàn giám sát làm việc thực tế 13 xã tại các huyện, thị xã từ ngày 24/9/2019 đến ngày 04/10/2019 (các xã: Định An, Thanh An (Dầu Tiếng); Cây Trường, Trừ Văn Phố (Bàu Bàng); An Thái, Phước Sang (Phú Giáo); An Tây, Phú An (Bến Cát); Tân Định, Tân Mỹ (Bắc Tân Uyên); Bạch Đằng, Thạnh Hội (Tân Uyên); An Sơn (Thuận An)). Vào ngày 04/12/2019, tại Hội trường A - HĐND tỉnh, Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch HĐND
tỉnh chủ trì phiên họp
Thành phần tham dự có Đoàn Giám sát do Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh – Trưởng đoàn giám sát chủ trì cùng 19 đại biểu HĐND tỉnh là thành viên Đoàn Giám sát, về phía đơn vị chịu sự giám sát do Ông Mai Hùng Dũng – Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đại diện UBND tỉnh và Lãnh đạo UBND 07 huyện, thị xã, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, cùng Lãnh đạo một số Sở, Ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh.
Ông Mai Hùng Dũng – Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch Thường trực
UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đoàn giám sát đã ghi nhận bộ mặt của các xã có sự chuyển biến tích cực, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đều khắp, kinh tế - xã hội nông thôn phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Toàn tỉnh hiện nay có 46/46 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Thanh An – huyện Dầu Tiếng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, về cấp huyện, thị xã toàn tỉnh có 03 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên) và 03 huyện đang tiến hành lập báo cáo, hồ sơ đề nghị công nhận (huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên). So với cả nước Bình Dương là 01 trong 08 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Kết quả đạt được như trên là sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung quán triệt, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Nhìn chung trong năm 2019, tỉnh Bình Dương hoàn thành mục tiêu của kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm giai đoạn 2016 – 2020.
Đoàn giám sát thực hiện giám sát thực tế tại một HTX trồng bưởi tại xã Tân Mỹ - Bắc Tân Uyên
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội nghị Đoàn Giám sát cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các xã như: Định hướng cơ cấu kinh tế ở một số xã chưa được đầu tư nghiên cứu một cách khoa học, mô hình liên kết sản xuất và kinh tế hợp tác thực hiện còn ít, tình hình đất nông nghiệp bỏ hoang của một vài xã gây lãng phí nguồn tài nguyên, công tác tuyên truyền, vận động chưa đa dạng về hình thức,…
Đoàn giám sát cùng đại diện các Sở, Ngành đã có những ý kiến trao đổi với địa phương, gợi ý một số nội dung cho địa phương tháo gỡ những khó khăn, tồn tại và hạn chế để khắc phục trong thời gian tới.
Một trong những tuyến đường nông thôn trồng hoa trên địa bàn xã Định An – Dầu Tiếng
Kết luận phiên họp, Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, diện mạo nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc. Tuy nhiên, qua những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục. Đoàn Giám sát đề nghị UBND tỉnh, các Sở, Ngành cần có những giải phải hỗ trợ cho địa phương trong thời gian tới như: Ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp, nông thôn phù hợp với thẩm quyền của tỉnh theo quy định của pháp luật,…./.
NHN