Tại Phiên bế mạc Kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết đã thông qua 12 Nghị quyết, trong đó có các nội dung xuất phát từ yêu cầu thực tiễn kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước của tỉnh, đảm bảo các quy định mới của Trung ương. Cụ thể, Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2023 của HĐND tỉnh; kết quả giám sát về tình hình và kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; quy định một số chế độ chi phục vụ hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về Danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương; quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Dương đến năm 2030; Phát triển thanh niên tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030…


Các đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết bằng ứng dụng công nghệ thông tin
Nghị quyết về chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025 được thông qua tại Kỳ họp quy định tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn là 2.100.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 2.600.000 đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm06 dịch vụ: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm 12 chỉ số: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu họp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Kỳ họp cũng thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương. Theo đó, thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở chuyển đổi nguyên trạng diện tích, địa giới hành chính, dân số của xã An Điền, xã An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát trên cơ sở chuyển đổi nguyên trạng diện tích, địa giới hành chính, dân số của thị xã Bến Cát. Sau khi thành lập, thành phố Bến Cát có 08 đơn vị hành chính cấp xã gồm 7 phường: Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa, An Điền, An Tây và xã Phú An. Giao UBND tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông Phạm Văn Chánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa X
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Phạm Văn Chánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa X đã thành công tốt đẹp, được cử tri và nhân dân trong tỉnh tin tưởng, ủng hộ. Sau kỳ họp, ông đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai các Nghị quyết vừa được thông qua. Các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri; thông tin, tuyên truyền đến cử tri và nhân dân về kết quả của Kỳ họp, đặc biệt là các quy định mới, chính sách mới và các quy định được điều chỉnh, bổ sung. Đồng thời thực hiện tốt vai trò giám sát và tích cực tham gia công tác giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND, nhất là việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.