Thường trực HĐND thị xã Thuận An: Một số kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động chấn vấn
Hội nghị trao đổi hoạt động Hội đồng nhân dân (HĐND) giữa Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện là hoạt động thường kỳ mỗi năm hai lần của tỉnh Bình Dương. Sau đây, Ban Biên tập xin giới thiệu bài tham luận của Thường trực HĐND thị xã Thuận An tại Hội nghị lần thứ Sáu được tổ chức tại huyện Bàu Bàng với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân”.
Chất vấn và trả lời chất vấn là một hình thức giám sát quan trọng của HĐND tại kỳ họp
Chất vấn là nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của đại biểu HĐND cũng như của đông đảo cử tri. Các kỳ họp của Thường trực HĐND thị xã Thuận An đều diễn ra trong hai ngày, trong đó phiên chất vấn được dành trọn một buổi. Hiện nay, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND được truyền thanh trực tiếp để phục vụ cử tri địa phương.
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, trước hết là việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người trả lời chất vấn: thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thị xã gửi phiếu nêu vấn đề cần chất vấn và người trả lời chất vấn đến Thường trực HĐND thị xã để Thường trực tổng hợp và xin ý kiến cấp ủy cùng với nội dung chương trình kỳ họp[1]. Sau khi tiếp nhận thông tin từ các Ban, các Tổ, kết hợp với phản ánh trực tiếp của các đại biểu HĐND, của cử tri, Thường trực HĐND thị xã sẽ phân tích, lựa chọn nhóm vấn đề, những nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương hoặc những vấn đề bức xúc được nhiều cử tri quan tâm, để tổng hợp chuyển UBND thị xã yêu cầu giải trình tại kỳ họp. Nội dung các vấn đề được lựa chọn để chất vấn tại kỳ họp HĐND thị xã Thuận An bao giờ cũng mang tính thời sự, là những vấn đề chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm trong thực tế.
Đối với việc điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Chủ tọa kỳ họp phải bản lĩnh, kinh nghiệm, nắm chắc vấn đề; tạo ra bầu không khí dân chủ, thoải mái, tập trung và nghiêm túc. Các đại biểu được chất vấn những vấn đề mình quan tâm với tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Những vấn đề chưa nhất trí, đại biểu được trực tiếp đối thoại làm rõ. Thường trực HĐND thị xã cũng yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm trả lời chất vấn phải đi thẳng vào nội dung đại biểu chất vấn, giải trình bằng văn bản những việc đã làm được, chưa làm được, nêu nguyên nhân và có giải pháp khắc phục những tồn tại. Vì vậy đã hạn chế dần cách trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho khách quan.
Đối với đại biểu chất vấn: Thường trực HĐND thị xã đề nghị nêu câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, cụ thể, nêu đúng, trúng vấn đề, phải đánh giá được phần giải trình của cơ quan, người có trách nhiệm, để thấy cần thiết tiếp tục chất vấn hay dừng lại, nếu chất vấn tiếp phải nhằm làm sáng tỏ vấn đề đã đưa ra chứ không phải là nêu vấn đề khác hoặc đặt câu hỏi có tính chất thăm dò hay khai thác thông tin. Người trả lời chất vấn cũng cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ câu hỏi, vận dụng kiến thức chuyên môn, hiểu biết thực tế để câu trả lời có tính thuyết phục. Nếu chỉ giải trình bằng lý thuyết mà không gắn với thực tiễn hoặc chỉ đơn thuần giải trình về góc độ chuyên môn thì câu trả lời không có sức nặng, không thuyết phục người nghe và dĩ nhiên vấn đề ấy sẽ rất khó khắc phục dư luận nhân dân trong thực tế.
Chất lượng trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND và các cơ quan chuyên môn tại kỳ họp HĐND ngày càng được nâng lên. Khi giao trách nhiệm cho các cơ quan trả lời chất vấn, UBND thị xã đã yêu cầu đơn vị phải thực sự nghiêm túc. Nội dung trả lời phải thể hiện được trách nhiệm của đơn vị trước nhiệm vụ được giao và trước cử tri. Những vấn đề đại biểu tập trung chất vấn nhiều hoặc còn băn khoăn, Chủ tịch UBND thị xã trực tiếp giải trình và có sự chỉ đạo cụ thể ngay tại kỳ họp, giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn để tập trung giải quyết trong thời gian gần nhất.
Nhiều hoạt động sau chất vấn nhằm theo sát và giải quyết các vấn đề mà cử tri quan tâm
Sau kỳ họp thường lệ, UBND thị xã tổ chức kiểm tra thực tế và chỉ đạo giải quyết các vấn đề cử tri phản ánh qua chất vấn của đại biểu như: về tiến độ triển khai các dự án sửa chữa đường giao thông nông thôn, tín hiệu đèn tại các giao lộ; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn chậm,... mang lại hiệu quả rõ rệt; đem lại lòng tin cho cử tri vào sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của chính quyền.
Trong thời gian giữa 2 kỳ họp, Thường trực HĐND tổ chức phiên giải trình để các ngành chuyên môn giải trình những vấn đề mà cử tri quan tâm. Sau thời gian tổ chức hội nghị, Thường trực HĐND nhận thấy các ý kiến, kiến nghị tại phiên giải trình được UBND và các cơ quan chuyên môn thực hiện triệt để, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thị xã đã tổ chức giám sát việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung đại biểu chất vấn; qua đó, đôn đốc UBND thị xã tăng cường giải quyết các vấn đề cử tri đang bức xúc, góp phần ổn định tình hình địa phương.
Việc UBND thị xã quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu HĐND là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Một số kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND
Thứ nhất: Thường trực HĐND phải biết lựa chọn vấn đề để đưa ra chất vấn, đó phải là những vấn đề bức xúc, mang tính thời sự được đông đảo cử tri địa phương quan tâm, những vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, để thông qua chất vấn tìm ra được giải pháp thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.
Thứ hai: Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn phải hết sức linh hoạt, sáng tạo và khoa học, để ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn đi đúng trọng tâm. Người đặt câu hỏi và người trả lời phải có được một tâm lý thoải mái để phiên chất vấn thực sự là một cuộc đối thoại trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm và vì lợi ích của tập thể. Như vậy, Chủ tọa kỳ họp phải là những người có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có sự hiểu biết về luật pháp, có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động HĐND, để xử lý các tình huống một cách hợp lý và hiệu quả.
Thứ ba: Việc chất vấn và trả lời chất vấn đòi hỏi người nêu câu hỏi và trả lời phải có sự đầu tư nghiên cứu, lựa chọn vấn đề phù hợp và phản ánh được bản chất vấn đề. Việc trả lời chất vấn của UBND và các cơ quan có liên quan phải thực sự nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân địa phương. Nội dung trả lời phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ khoa học đó là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, có các giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, vì đây chính là vấn đề người chất vấn quan tâm.
Thứ tư: UBND phải chỉ đạo kịp thời việc giải quyết các ý kiến chất vấn của đại biểu và kiến nghị cử tri. Đây là vấn đề cốt lõi để khẳng định uy tín, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, thể hiện việc tiếp thu ý kiến chất vấn của UBND là nghiêm túc, hạn chế đến mức thấp nhất các nội dung, vấn đề được đại biểu chất vấn lập lại ở các kỳ họp HĐND vì hiện vẫn chưa được khắc phục trong thực tế.
Thứ năm: Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ và các đại biểu HĐND phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND của UBND cùng cấp, đặc biệt là giám sát việc giải quyết các ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND và kiến nghị của cử tri.
Thứ sáu: Mỗi đại biểu HĐND phải không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, trình độ người đại biểu dân cử, để có thể trực tiếp giám sát hoạt động của UBND thông qua việc chất vấn có hiệu quả tại kỳ họp HĐND và đó cũng chính là điều kiện cần thiết để mỗi đại biểu hoàn thành tốt chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương./.
(DA. lược ghi)
[1] Để chủ động hơn trong việc lựa chọn, xác định nhóm vấn đề chất vấn và đối tượng trả lời chất vấn; Thường trực HĐND đề nghị các Tổ và đại biểu HĐND gửi về Thường trực khi họp Tổ xem xét, đóng góp cho các nội dung trình tại kỳ họp; bên cạnh đó, nội dung vấn đề cần chất vấn đại biểu có thể gửi về Thường trực trước phiên họp chất vấn của kỳ họp.