Đề xuất bổ sung danh hiệu "Xã, phường tiêu biểu", khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng có 8 chương và 98 điều với nhiều nội dung mới để đảm bảo bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị, đồng thời cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua đã thực hiện ổn định thời gian qua để phù hợp hơn với thực tiễn; bổ sung danh hiệu "Cờ thi đua của Chính phủ" cho tập thể khi tham gia các phong trào thi đua theo chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phát động từ 5 năm trở lên và danh hiệu "Cờ thi đua cấp Bộ, cấp tỉnh" cho tập thể khi tham gia phong trào thi đua theo chuyên đề do Bộ, ngành, địa phương phát động từ 3 năm trở lên để phát huy tác dụng khích lệ, động viên phong trào.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tham dự Kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh thông qua hình thức trực tuyến
Cùng với đó, xuất phát từ thực tiễn triển khai các phong trào thi đua thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung danh hiệu "Xã tiêu biểu", "Phường, thị trấn tiêu biểu" là những danh hiệu tổng hợp kết quả phong trào thi đua ở cấp xã và đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu "Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hoá", "Gia đình văn hoá" thành danh hiệu "Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu", "Gia đình tiêu biểu" để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình.
Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" để khen thưởng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội.
Cần có công cụ quản lý thi đua, khen thưởng
Tham gia góp ý cho dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng, cần có công cụ quản lý trong công tác thi đua, khen thưởng tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để luồn lách thăng tiến.
Dự thảo Luật vẫn còn nặng về thủ tục khi hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua, khen thưởng phải có điều kiện kèm theo là báo cáo thành tích. "Để được tôn vinh lại phải viết báo cáo thành tích, trong khi hầu như các cá nhân "phát huy truyền thống yêu nước, năng động, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo" thì mục đích cuối cùng không phải để được ghi nhận và tôn vinh. Báo cáo này nhằm mục đích gì? Nếu chỉ để cơ quan quản lý nhà nước biết thì có vẻ không ổn vì nó sẽ chứng tỏ năng lực quản lý đối với hoạt động của công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số được cam kết triển khai mạnh mẽ thời gian qua. Nếu duy trì báo cáo thành tích thì phải giải đáp thỏa đáng trường hợp nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, chắc chắn trong thời gian công tác đã nhận không ít danh hiệu thi đua lẫn khen thưởng?" - ông Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.
Ông Phạm Trọng Nhân tham gia thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Theo ông Nhân, chỉ khi nào Nhà nước với đầy đủ công cụ quản lý được giao thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới đảm bảo ý nghĩa biểu dương, nhất là trong bối cảnh những quy định về cơ sở dữ liệu bắt đầu được thể chế thì chỉ cần một cái "click chuột" đã có thể cung cấp đầy đủ các dữ liệu cá nhân được xác thực, trong đó có khen thưởng, kỷ luật, quá trình công tác cũng được số hóa, như vậy sẽ tránh kẽ hở để luồn lách thăng tiến.
Khi đã xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ theo hướng trên thì trách nhiệm của công tác thẩm định cũng trở nên khoa học hơn; đồng thời phải tập trung đi đôi với phát triển công chức số và nhân rộng toàn xã hội. Chỉ có như vậy mới có thể góp phần thay đổi mọi mặt của đời sống, trong đó có thi đua, khen thưởng nhằm làm cho công tác này trở nên thực chất, ý nghĩa.
Cũng theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, điều quan trọng hơn nữa chính là kỹ năng quản trị của người đứng đầu. "Làm thế nào để tăng trưởng tinh thần, tình cảm, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, tập thể đối với công việc. Nếu tinh thần nêu gương luôn thường trực trong mỗi người, mỗi hoàn cảnh thì có lẽ phong trào thi đua cũng hoàn thành sứ mệnh bởi khi đó, nó đã trở thành một vấn đề tự thân, một sự tự nhận thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức bởi có "tu thân" mới có thể "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ"" - đại biểu khẳng định.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng trong luật phải bảo đảm chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.