Phát triển điện hạt nhân gắn với tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia
Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, chiều 27.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường
Trình bày Tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nêu 3 quan điểm phát triển điện hạt nhân gồm: vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, mục tiêu là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.
Các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, phát triển, khai thác, vận hành, bảo vệ, định mức tiêu chuẩn, quy phạm quản lý chất thải các nhà máy điện hạt nhân, xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trong tình hình mới; đào tạo, phát triển xây dựng nguồn nhân lực điện hạt nhân.
Đồng thời, nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, sử dụng tối ưu nguồn lực đã có trong lĩnh vực điện hạt nhân; tận dụng tối đa các kết quả đã thực hiện đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục triển khai các dự án này; hình thành cơ quan chuyên trách về quản lý nhà nước đối với điện hạt nhân; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi của xã hội đối với chương trình phát triển điện hạt nhân.
Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân
Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày, Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại Tờ trình.
Trên cơ sở Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã triển khai một số nội dung quan trọng như: tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng dự án; đào tạo nhân lực để quản lý, vận hành; sau khi dừng thực hiện Dự án theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, các địa điểm xây dựng Dự án vẫn đang được quản lý tốt.
Luật Năng lượng nguyên tử đã được Quốc hội ban hành năm 2008. Hiện tại, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám cũng đã đề cập tới chính sách phát triển điện hạt nhân.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân. Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân; rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến điện hạt nhân.
Cùng đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Nâng cao năng lực trong nước nội địa hoá thiết bị điện hạt nhân.
Thực hiện tuyên truyền, thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật hiện hành.