Theo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp…) đã có những chuyển biến tích cực so với trước đây. Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm quy định pháp luật về tiếp công dân. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, từ đó trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Theo thống kê cho thấy, tiếp công dân của người đứng đầu cấp xã còn ít, cấp huyện có nhiều hơn, cấp tỉnh không cao, cấp bộ thì thấp. Cụ thể: về tiếp công dân thường xuyên, tiếp đột xuất của lãnh đạo cơ quan hành chính các cấp, báo cáo kết quả giám sát cho biết, trong kỳ báo cáo cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 2.781.675 lượt công dân, có 24.363 lượt đoàn đông người.
Về tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân đạt tỷ lệ bình quân 38%, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt 56%, Chủ tịch UBND cấp huyện đạt 94%, Chủ tịch UBND xã đạt 49% so với quy định. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó.
Bên cạnh đó, Báo cáo kết quả giám sát cũng cho biết, quy định về thống kê báo cáo, số liệu tiếp công dân của người đứng đầu chưa rõ ràng, không có trong biểu mẫu, phụ lục thống kê dẫn đến số liệu không chính xác, độ tin cậy không cao. Vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa đúng quy định, có nơi do thiếu cán bộ nên đã bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân. Việc bố trí địa điểm tiếp công dân hầu hết đều được bố trí ở những vị trí thuận lợi, có phòng chờ riêng dành cho công dân, nhưng vẫn còn địa phương bố trí ở địa điểm chưa thật sự thuận lợi cho công dân, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức…
Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị hành chính các cấp
Luật Tiếp công dân quy định Chủ tịch xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tuần; Chủ tịch huyện tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng; Chủ tịch tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng. Thế nhưng thực tiễn cho thấy, người đứng đầu cơ quan hành chính ở một số cấp lại không thực hiện được. “Vậy là do chúng ta không thực hiện được hay do quy định pháp luật không phù hợp?”. Đưa ra câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, có cần xem lại các quy định pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc tiếp công dân hay không?
Trước thực tế việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính chủ yếu được ủy quyền cho cấp phó, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Báo cáo kết quả giám sát cần đánh giá, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp và dự thảo Nghị quyết giám sát phải có các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính trong tiếp công dân.
Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18.2.2019 của Bộ Chính trị đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác tại địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận thấy, việc tổ chức tiếp công dân là rất khó, rất đụng chạm. Báo cáo kết quả giám sát cũng đã chỉ ra thực tế có tình trạng người đứng đầu cấp ủy ngại tiếp dân, trốn tránh tiếp dân hoặc việc niêm yết công khai lịch tiếp công dân của một số cơ quan, đơn vị hành chính còn hình thức, có tình trạng cơ quan hành chính niêm yết lịch tiếp công dân bên trong trụ sở, nhưng bảo vệ lại gác cửa bên ngoài khiến người dân không tiếp cận được, không tham dự được các cuộc tiếp công dân… Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải chấn chỉnh ngay thực trạng này.
Ở góc độ khác, từ kinh nghiệm tiếp công dân ở địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, để làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan hành chính phải thực sự tâm huyết, cầu thị, chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước các buổi tiếp công dân. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, để các cuộc tiếp công dân đạt hiệu quả, người đứng đầu đơn vị hành chính nên mời đại diện đoàn luật sư, hội luật gia, tổ hòa giải ở xã, phường hoặc cơ quan chuyên môn có liên quan để trực tiếp lắng nghe, ghi nhận, giải trình, làm rõ những ý kiến của công dân và kịp thời tham mưu cho người đứng đầu để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Cử tri và Nhân dân rất mong đợi, kỳ vọng vào việc thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần tạo động lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và của cả nước. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, cần có chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, báo cáo kết quả giám sát cần nêu rõ cấp nào chưa thực hiện nghiêm túc quy định về tổ chức tiếp công dân; chất lượng, hiệu quả tiếp công dân ở cấp cơ sở. Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phải thực hiện tốt công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Tiếp tục quan tâm giải quyết kịp thời, có lý, có tình đối với các đơn khiếu nại, tố cáo ngay từ cấp cơ sở - nơi phát sinh vụ việc.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, cần có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng đối tượng chịu sự giám sát báo cáo các cơ quan giám sát chưa đúng, chưa đủ nội dung; chưa làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; chưa nêu vướng mắc, bất cập, khó khăn trong quy định pháp luật; chưa đề xuất giải pháp cụ thể...