Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2021, dự báo, Tập đoàn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19; sự bất thời về thời tiết, nhu cầu phụ tải xuống thấp… gây khó cho công tác vận hành hệ thống điện. Mặc dù vậy, EVN vẫn đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính toán cung cầu, bảo đảm cung cấp đủ điện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Nỗ lực, chủ động vượt mọi khó khăn
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (từ ngày 29 tháng Chạp tới hết ngày 5 tháng Giêng), công suất và sản lượng điện tiêu thụ tính trên cả nước vào dịp Tết đều giảm mạnh so với ngày thường trước Tết. Công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia trung bình ngày chỉ ở mức khoảng 22.800MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 418 triệu kWh/ngày. Đặc biệt, tổng công suất phụ tải tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa các ngày trong dịp Tết Tân Sửu xuống rất thấp, chỉ còn ở mức khoảng 12.500 - 13.500 MW.
Theo EVN, nhu cầu phụ tải xuống thấp gây khó khăn cho công tác vận hành hệ thống điện. Cụ thể, trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.
Khó khăn của EVN trong giai đoạn hiện nay còn ở chỗ, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án điện của EVN tiếp tục tăng cao nhưng việc huy động vốn ngày càng khó khăn. Trong đầu tư xây dựng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng (đặc biệt là vấn đề giải quyết các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng) vẫn còn nhiều vướng mắc.
Nhằm bảo đảm công tác điện giai đoạn 2021 - 2025, EVN đã yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) triển khai tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động cũng như loại hình nguồn điện phải tiết giảm; bảo đảm phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết....
Đồng thời, EVN cũng dự báo 2 kịch bản nhu cầu phụ tải điện. Trong đó, phương án cơ sở, tăng trưởng nhu cầu điện khoảng 8,6%/năm và phương án cao (với kịch bản kinh tế phục hồi mạnh sau Covid-19, xem xét đến khả năng có làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam) tăng trưởng 9,4%/năm. Với hai kịch bản tăng trưởng này, hệ thống điện sẽ bảo đảm cung ứng đủ điện trong toàn bộ giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, ở phương án phụ tải cao, để đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải, hệ thống cần huy động thêm các nguồn điện dầu với sản lượng khoảng 4,7 tỷ kWh năm 2023 và khoảng 3,8 tỷ kWh vào năm 2024.

Bảo đảm đủ điện cho giai đoạn 2021 - 2025
Thực hiện hiệu quả mục tiêu kép
Cùng với việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đề nghị, toàn Tập đoàn tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong quản lý dự án, số hóa các công đoạn đầu tư xây dựng. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa bảo đảm vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống điện.
Bên cạnh đó, lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng khoa học, hiệu quả, theo tình trạng thiết bị, bảo đảm các tổ máy sẵn sàng vận hành theo lệnh điều độ; chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng cho sửa chữa; siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố lớn. Ứng dụng các công cụ dự báo hiện đại, xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết các hồ thủy điện bám sát diễn biến thực tế, bảo đảm tiết kiệm nước, an toàn trong mùa mưa lũ.
Tích cực triển khai thực hiện chủ đề Chuyển đổi số, nhân rộng trong toàn Tập đoàn các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã được nghiệm thu tại các đơn vị. Nghiên cứu, đề xuất triển khai kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; hoàn thiện số hóa công tác quản trị, quản lý để tiết kiệm chi phí, cân bằng tài chính. Song song với đó, hoàn thiện Hệ thống Quy chế quản lý nội bộ theo hệ thống số hóa, hoàn thành công tác xây dựng và trình duyệt các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để định vị vị trí của Tập đoàn trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hoàn thiện việc sửa đổi phân cấp và hệ thống quy chế quản lý nội bộ trong tháng 6.2021; hoàn thành sửa đổi Điều lệ Tập đoàn và các đơn vị trong năm 2021.
Cùng với việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư tại các đơn vị trong mọi tình huống; triệt để tiết kiệm chi phí, đặc biệt là các chi phí mua sắm vật tư thiết bị, EVN cũng xác định, hoàn thành Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong Tập đoàn để trình HĐTV thông qua trong quý I.2021, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đề nghị, toàn Tập đoàn tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện triệt để các nhiệm vụ và giải pháp thuộc Đề án Quản trị nguồn nhân lực của Tập đoàn. Khẩn trương hoàn thiện đề án nghiên cứu về năng suất lao động trong EVN, triển khai áp dụng mô hình lương 3P để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và giữ chân nhân sự có chất lượng. Cán bộ, công nhân viên, người lao động của EVN tiếp tục nâng cao năng lực để đáp ứng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trên thế giới, làm chủ công nghệ và quản trị xuất sắc các công việc theo chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Đỗ Quyên (Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân)