Bình Dương chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử
ĐCSVN) - Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Hiện Bình Dương đang chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử (TMĐT).
|
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương. |
Hạ tầng công nghệ thông tin - Viễn thông của tỉnh Bình Dương hiện nay khá tốt, song việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin của hầu hết các doanh nghiệp còn rất khiêm tốn. Đặc biệt, do thói quen sử dụng mô hình thương mại truyền thống và chưa nắm bắt hết lợi ích mà TMĐT mang lại nên đa số doanh nghiệp vẫn còn chậm trễ trong quá trình phối hợp triển khai ứng dụng TMĐT.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương rất thuận lợi cho việc phát triển TMĐT trong doanh nghiệp; ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh chủ yếu là công nghiệp phần cứng và đã thu hút được một số dự án mới trong phát triển về công nghiệp công nghệ thông tin, ngành công nghiệp điện tử đã thu hút được gần 20% số dự án đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Công nghệ thông tin góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất và thương mại được doanh nghiệp rất quan tâm, đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thanh toán cho giao dịch mua bán trên mạng, thanh toán tự động cũng là mối quan tâm để doanh nghiệp có thể triển khai hình thức kinh doanh bằng TMĐT.
Nắm bắt được lợi ích TMĐT đem lại, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 2363/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Dương năm 2024. Kế hoạch này mhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, nông sản, thực phẩm và sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
TMĐT đã và đang trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của Bình Dương. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt 81.177 tỷ đồng. Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng TMĐT bình quân của tỉnh là 8%. Bình Dương đứng thứ ba trong bảng xếp hạng Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2024 với 51,3 điểm. Trên trang TMĐT “Binhduongtrande. vn” hiện có 544 DN và 2.990 sản phẩm tham gia giao dịch.
UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường triển khai các chương trình xúc tiến: quảng bá hình ảnh sự kiện hội chợ, triển lãm, hội thảo, giao thương, kết nối doanh nghiệp... trên môi trường trực tuyến.
Song song đó, phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương quản lý cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định tại địa chỉ http://online.gov.vn; tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách quản lý nhà nước về thương mại điện tử, tổng quan và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá, trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ở Bình Dương ngày càng mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, mặc dù thị trường TMĐT đang phát triển khá nhanh nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, quy mô phát triển giữa các địa phương chưa đồng đều, việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch TMĐT vẫn khá phổ biến, sự cạnh tranh không cân sức giữa các sàn TMĐT trong nước với sàn nước ngoài, niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao. Bên cạnh đó, hoạt động giao nhận, an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các DN. Những khó khăn này đòi hỏi sự đồng hành của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, để cùng tìm giải pháp phát triển cho các DN, đặc biệt là các DN đang trong quá trình chuyển đổi.
Theo PGS.TS Tạ Văn Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Bình Dương cần xây dựng môi trường số cho TMĐT cấp tỉnh, phát triển đa dạng các loại hình TMĐT, bảo đảm phòng chống gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng. Đồng thời, Bình Dương cần triển khai các giải pháp như thu hút và tăng cường đầu tư hạ tầng số, đào tạo nhân lực và thu hút nhân tài về kinh tế số và TMĐT.../.