Bài phát biểu của ông Phạm Trọng Nhân , Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, Kính thưa Quốc hội,
Về cơ bản, tôi đồng tình với nhiều vấn đề đã được giải trình, tiếp thu tại kỳ họp này.
Tuy nhiên, với những nội dung giải trình về tiền dịch vụ, Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước cùng những quy định về tiền ký quỹ trong dự thảo lần này vẫn chưa trả lời thỏa đáng cho vấn đề mà tôi đã nêu tại kỳ họp thứ 9, đó là phải chăng việc tồn tại nhiều loại chi phí như trên làm cho lao động di cư Việt Nam đang chịu mức phí cao nhất? Cả hai lần trình cũng như báo cáo giải trình tiếp thu với những quan điểm về tiền dịch vụ, tiền ký quỹ… đã làm cho kết quả giám sát chuyên đề “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...” của Ủy ban Về các vấn đề xã hội trước đây trở nên chưa hiệu quả sau giám sát vì những tồn tại được chỉ ra trong báo cáo nhưng lại không được khắc phục trong dự luật.
Một trong những mục đích của tiền dịch vụ được quy định tại Điều 24 được giải trình nhằm “hỗ trợ người lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài, trong tình huống xảy ra rủi ro, phát sinh...”. Giải trình như trên liệu có thỏa đáng khi tiền dịch vụ do bản thân người lao động đóng và khi xảy ra rủi ro, phát sinh thì quay ngược lại hỗ trợ cho chính người lao động? Từ “hỗ trợ” chỉ có thể được hiểu chủ thể này hỗ trợ cho chủ thể khác đang ở trong hoàn cảnh yếu thế hơn. Việc lấy tiền của chính bản thân mình để giải quyết rủi ro của chính mình không ai cho rằng đó là hành động hỗ trợ.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 24 dự luật quy định “Trường hợp người lao động đã trả tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và lãi suất tính theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”. Tuy nhiên, trường hợp người lao động về nước trước hạn và do lỗi của người lao động thì tiền dịch vụ sẽ được xử lý như thế nào thì dự luật vẫn còn bỏ ngõ. Nếu không chế định trường hợp về nước trước hạn và do lỗi của người lao động thì từ khoản 3 Điều 24 có thể suy ra rằng người lao động không thể lấy lại tiền dịch vụ và khi đó, ngoài những mục đích như dự thảo đã nêu, tiền dịch vụ cũng có thể ngầm hiểu được sử dụng để đền bù hợp đồng. Đến đây phải chăng tiền dịch vụ sẽ chồng lấn với tiền ký quỹ khi khoản 5 Điều 26 về tiền ký quỹ của người lao động dự thảo quy định “Trường hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng lao động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra...”?. Như vậy, cùng với hành vi vi phạm hợp đồng lao động thì với quy định còn bỏ lửng như trên về tiền dịch vụ, rõ ràng người lao động mất cả tiền dịch vụ lẫn tiền ký quỹ.
Điểm tiếp thu của dự luật lần này quy định trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ mà hai bên đã thoả thuận được quy định tại khoản 4 Điều 24. Tuy nhiên, làm thế nào để người lao động biết được nước tiếp nhận đã trả tiền dịch vụ hay chưa? Mặc dù khoản 2 Điều 22 về hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có quy định “ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ” nhưng dự luật không quy định cơ chế công khai thông tin này, trong khi xét về mặt bản chất thì đây chính là một trong những quyền của người lao động và do đó, họ có quyền được biết thông tin trên nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; đồng thời do hợp đồng cung ứng lao động quy định những vấn đề rất quan trọng liên quan trực tiếp đến người lao động về điều kiện, môi trường làm việc, tiền lương, tiền công và các chế độ khác nên toàn bộ hợp đồng này phải được công khai để người lao động có cơ sở đối chiếu với hợp đồng lao động mình trực tiếp ký với doanh nghiệp dịch vụ thay vì các thông báo tuyển dụng với thông tin nhỏ giọt thường thấy trên Internet.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là trong báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bãi bỏ Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước. Tuy nhiên, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thay đổi quan điểm so với báo cáo giám sát khi bảo vệ việc tồn tại của Quỹ và khẳng định “Nhiệm vụ chi của Quỹ tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động…”.
Như vậy, trong cùng chức năng xử lý rủi ro của người lao động lẫn doanh nghiệp, theo báo cáo giải trình và các quy định trong dự thảo, dường như có ba nguồn chi để khắc phục rủi ro là tiền dịch vụ, tiền ký quỹ và Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước.
Một trong những cơ sở để sửa đổi Luật là những bất cập mà báo cáo kết quả giám sát “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...” của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã chỉ ra. Tuy nhiên, với quy định về các loại chi phí như trên, dự luật đã chưa thể trả lời cho câu hỏi lao động di cư Việt Nam có tiếp tục chịu mức phí cao nhất hay không, do đó hiệu quả sau giám sát đã chưa thể phát huy trong lần sửa đổi này. Đặt dự luật bên cạnh các báo cáo giám sát, báo cáo tổng kết thi hành luật, nhất là các vấn đề như đã phân tích cho thấy sự thiếu nhất quán, thậm chí có phần mâu thuẫn trong tư duy lập pháp.
Sửa đổi dự luật này là cần thiết và việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những biểu hiện của toàn cầu hóa. Dù không thể phủ nhận rằng sân chơi FDI đã góp phần rất lớn trong việc định hình thị trường lao động, tuy nhiên cần phải tìm cho ra lý do vì sao khu vực FDI vẫn chưa thể tạo ra nhiều việc làm và thu nhập tốt, và vì sao vẫn còn nhiều lao động phải men theo dòng chảy lao động di cư, tìm kiếm việc làm, thu nhập bên ngoài lãnh thổ. Dù cho lao động di cư là tất yếu nhưng cũng phải nhìn nhận lại một cách thực chất các chính sách giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quốc gia bởi hầu hết các câu chuyện lao động di cư thời gian qua đã nói lên một điều cực chẳng đã họ mới đi lao động ở nước ngoài vì những thực tế mà tôi đã nêu ra tại kỳ họp trước.
Kính thưa Quốc hội,
Hôm nay là tròn một năm thảm kịch 39 nạn nhân người Việt xấu số được tìm thấy trong thùng xe container và cũng là lần thảo luận cuối cùng trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, nhưng vẫn còn đó không ít băn khoăn liệu rằng dự luật lần này tạo chỗ dựa vững chắc cho người lao động di cư bằng con đường chính thống, hợp pháp như thế nào, đó mới chính là bản chất tận cùng và nhân văn của dự luật? Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo phải rà soát kỹ lưỡng các quy định như đã đề cập, đồng thời phải làm cho những điều khoản sửa đổi phù hợp với kết quả giám sát cũng như các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và những thực tế về đời sống lao động di cư trước và sau khi đi lao động ở nước ngoài mà tôi đã đề cập tại kỳ họp thứ 9. Có như vậy mới làm cho công tác giám sát của các cơ quan của Quốc hội thực sự phát huy hiệu quả cũng như làm cho người lao động không phải mưu tình con đường ra đi và ở lại mưu sinh trên đất khách một cách bất hợp pháp chỉ vì số tiền mà họ phải bỏ ra để được đi lao động ở nước ngoài quá lớn.
Xin cảm ơn Quốc hội.