Hoạt động công khai, cung cấp thông tin của HĐND tỉnh
Ngày 06/4/2016, Quốc hội thông qua Luật tiếp cận thông tin (TCTT) tại kỳ họp thứ 11. Sau khi cân nhắc kỹ, Quốc hội đã quyết định thời điểm có thi hành kể từ ngày 1/7/2018 nhằm bảo đảm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm thi hành luật.
Có thể thấy, Luật TCTT là một trong những đạo luật có thời gian chuẩn bị điều kiện thi hành tương đối dài. Đây là văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp, quy định về việc thực hiện quyền TCTT của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền TCTT của công dân. Đạo luật này tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền TCTT của công dân và góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
Bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân là mục tiêu cơ bản, trọng tâm của việc ban hành Luật TCTT, thể hiện xuyên suốt trong các quy định cụ thể của luật. Chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự sẽ thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ; người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác. Cách thức công dân tiếp cận thông tin bao gồm 02 cách: một là, tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai; hai là, yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông thông tin. Luật quy định cơ quan nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra trừ trường hợp thông tin công dân không được phép tiếp cận. Đối với trường hợp thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định. Riêng đối với Ủy ban nhân dân cấp xã thì bên cạnh cung cấp thông tin do mình tạo ra còn cung cấp thông tin do mình nhận được. Tại Điều 17 Luật TCTT, ngoài 15 nhóm thông tin phải được công khai còn quy định cơ quan nhà nước cân nhắc công khai thêm thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ. Về hình thức công khai thông tin, bên cạnh 5 hình thức công khai thông tin chính (đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, trên phương tiện thông tin đại chúng, Công báo, niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước...), Luật giao cơ quan nhà nước xác định thêm các hình thức công khai thông tin khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc TCTT. Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm; đồng thời quy định trình tự, thủ tục yêu cầu tiếp cận thông tin. Theo quy định của Luật, tùy từng trường hợp cụ thể mà tuân thủ trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin.

Quầy giao dịch tại Trung tâm hành chính công tỉnh
Xác định đây là một nội dung quan trọng, ngay khi Luật TCTT được thông qua, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu cụ thể từng điều khoản, nội dung điều chỉnh của Luật và những điểm cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, Văn phòng HĐND tỉnh được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối thực hiện việc công khai, cung cấp thông tin của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh. Khi Luật có hiệu lực, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng HĐND tỉnh xây dựng Quy chế công khai, cung cấp thông tin của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh ban hành văn bản gửi Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin; xây dựng Kế hoạch triển khai Luật TCTT của Hội đồng nhân dân tỉnh; lập danh mục thông tin phải công khai; lập danh mục thông tin tiếp cận có điều kiện; lập Sổ theo dõi cung cấp thông tin theo yêu cầu; ban hành văn bản yêu cầu các phòng chuyên môn và CBCC thuộc lĩnh vực phụ trách thực hiện việc nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, truyền thông; Báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện việc đôn đốc việc triển khai thi hành Luật...
Việc công khai thông tin được Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện đầy đủ và đảm bảo theo quy định của pháp luật với tinh thần trọng thị, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân biết, nhân dân bàn, nhân dân kiểm tra. Với ý nghĩa đó, Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện công khai thông tin tại Bộ phận một cửa (Quầy số 06 của Văn phòng HĐND tỉnh, tầng 1, Tháp B,Trung tâm hành chính tỉnh) và Trang thông tin Đại biểu dân cử tỉnh Bình Dương (https://hdnd.vn); công khai dưới hình thức Công báo; công khai niêm yết thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân tỉnh (bộ phận một cửa tại Trung tâm Hành chính công tỉnh). Các văn bản được gửi đến Trung tâm Công báo tỉnh để công khai thông tin bao gồm: Các nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh; các nghị quyết cá biệt có phạm vi tác động, ảnh hưởng đến một bộ phận hoặc nhiều nhóm đối tượng trong nhân dân. Các văn bản được gửi đến Website Bình Dương, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương để công khai và tuyên truyền các nội dung bao gồm: Các nghị quyết được đăng Công báo; các kế hoạch hoạt động chung hoặc nội dung cụ thể của Hội đồng nhân dân, Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh về một nội dung hoạt động cụ thể; thông cáo báo chí về nội dung, chương trình kỳ họp HĐND tỉnh; các văn bản khác theo chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban và lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh.
Trên Trang thông tin đại biểu dân cử tỉnh Bình Dương, Thường trực HĐND tỉnh xây dựng bổ sung “Chuyên mục Tiếp cận thông tin” và thực hiện đầy đủ các hoạt động về công khai thông tin theo quy định tại Điều 19 Luật tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, “Chuyên mục Ý kiến - Hỏi đáp” được thực hiện trên nguyên tắc cung cấp thông tin và công khai thông tin đến cử tri và nhân dân trong tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và trả lời ý kiến, kiến nghị của bạn đọc trên trang thông tin điện tử, đáp ứng kịp thời nguồn thông tin cần thiết cho cử tri và bạn đọc. Về phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông Chánh Văn phòng HĐND tỉnh công khai thông tin theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông theo quy định (Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 10/11/2014 của UBND tỉnh).
Trong quá trình thực hiện việc công khai, cung cấp thông tin, bộ phận Văn thư của Văn phòng có trách nhiệm tiếp nhận Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin (theo mẫu) qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax và chuyển đến đầu mối cung cấp thông tin để xử lý. Bộ phận một cửa tiếp nhận Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin được gửi trực tiếp tại Quầy số 06 của Văn phòng HĐND tỉnh, tầng 1, Tháp B - Trung tâm Hành chính tỉnh. Phiếu tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin được Bộ phận một cửa hoặc Đầu mối cung cấp thông tin lập và gửi đến cá nhân, đơn vị yêu cầu cung cấp thông tin. Đối với yêu cầu cung cấp thông tin không cung cấp được ngay thì Bộ phận một cửa chuyển phiếu yêu cầu đến Đầu mối cung cấp thông tin. Đối với thông tin phải công khai, nơi nhận của văn bản được ghi “CK” sau chữ “Lưu VT” (Lưu VT, CK). Bộ phận văn thư phát hành chuyển cho người làm nhiệm vụ đầu mối cung cấp thông tin (đối với bản giấy) và chuyển đến chuyên viên IT (đối với bản điện tử) để thực hiện việc công khai tại Bộ phận một cửa và Trang thông tin đại biểu dân cử tỉnh Bình Dương.
Văn phòng HĐND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế TCTT của Hội đồng nhân dân tỉnh; hàng tháng tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả hoạt động cung cấp thông tin của các cơ quan HĐND tỉnh (lồng ghép vào báo cáo tháng). Đồng thời, quy định việc thực hiện các nhiệm vụ cung cấp, thông tin là một nội dung trong thi đua, khen thưởng của Cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan HĐND tỉnh.
Có thể thấy, Luật TCTT là một sự tiến bộ, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Thời gian qua, việc công khai, cung cấp thông tin của HĐND tỉnh và các cơ quan của HĐND tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định, bảo đảm mỗi người dân đều có thể thực hiện quyền TCTT của mình trong việc tiếp cận thông tin của cơ quan dân cử tỉnh. Việc thực hiện hiệu quả các quy định về TCTT là một biện pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, HĐND tỉnh là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh, với việc triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ công khai, cung cấp thông tin của HĐND tỉnh là việc làm quan trọng, thiết thực, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
H.Lê (Nguồn: hdnd.vn)